Liên tục xảy ra nhiều vụ hành hung, khủng bố nhà báo vì dám viết bài phản ánh những vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Nhóm đối tượng nghi tạt tiết lợn, ném đầu lợn khủng bố nhà báo ở Hải Phòng. Ảnh: NVCC |
Trưa ngày 2.3, anh Nguyễn Tiến Thắng - phóng viên Báo Tuổi trẻ thường trú tại Hải Phòng bị đối tượng lạ mặt hắt tiết lợn, đầu lợn rạch chéo vào nhà riêng ở phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh.
Anh Nguyễn Tiến Thắng cho rằng, anh và người trong gia đình không gây mâu thuẫn với ai, cho nên không thể có chuyện bị trả thù.
Tạt đồ bẩn khủng bố, hăm dọa thường được các đối tượng đòi nợ thuê sử dụng để ép con nợ. Anh Thắng không vay nợ tín dụng đen nên cũng loại trừ nguyên nhân này.
Chỉ còn nguyên nhân nghề nghiệp, theo anh Nguyễn Tiến Thắng, anh có bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Online, phản ánh hàng loạt quán bar, karaoke hoạt động trái phép trên địa bàn TP.Hải Phòng. Trước đó, có người tên T. liên hệ gặp, đề nghị không đăng bài viết về dấu hiệu sai phạm của quán do T. làm chủ. “Nếu các anh phản ánh thì chúng tôi không vui”.
Có thể đây là câu nói cảnh báo, hăm dọa. Và khi anh Thắng không nghe, thì hậu quả đã xảy ra.
Mới đây, ngày 20.2, anh Nguyễn Anh Tuấn - phóng viên Báo Người Lao Động đang tác nghiệp tại huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai, đã bị một nhóm côn đồ hành hung.
Anh Tuấn tiếp xúc với bà con, nắm thông tin xung quanh những bức xúc về dải phân cách cứng kéo dài hơn 300 m đến trạm BOT Trảng Bom nhiều năm nay nhưng không được giải quyết, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đời sống của người dân địa phương. Trong lúc anh Tuấn ghi hình dải phân cách thì bị đánh.
Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý, những người tấn công phóng viên Nguyễn Anh Tuấn vẫn nhởn nhơ.
Nhà báo hoạt động theo quy định của pháp luật, không ai được ngăn cản, nói gì đến chuyện khủng bố, hành hung. Nhưng có những trường hợp, làm ăn không đàng hoàng, hoặc vi phạm pháp luật, nhưng không mua được sự "im lặng" của nhà báo, nên tấn công trả thù.
Hoặc, có vụ hành hung dằn mặt ngay từ đầu, để nhà báo không dám động đến, như vụ xảy ra ở trạm BOT Trảng Bom.
Khi xảy ra những vụ việc này, chính quyền địa phương cần vào cuộc, xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể để cho các băng nhóm côn đồ muốn hành hung, khủng bố ai cũng được.
Hết hành hung người dân để đòi nợ thuê, đến khủng bố nhà báo để dọa không cho phản ánh sai phạm. Xã hội tồn tại những chuyện ngang ngược như vậy thì trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)