Đô thị

Phân cấp quản lý hệ thống giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát triển hạ tầng giao thông là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nhiều năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống giao thông nông thôn liên tục được nâng cấp, làm mới. Tuy nhiên, công tác quản lý hệ thống giao thông nông thôn hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chú trọng đầu tư

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, cho tới thời điểm này, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Phú Thiện đã cơ bản được bê tông hóa và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần kết nối các xã, thôn, làng, tạo nên diện mạo mới cho các địa phương. Chị Huỳnh Thị Kim Loan (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) hồ hởi: “Nhà tôi ở trung tâm xã nhưng hàng ngày vẫn phải vào trong làng để dạy học. Ngày trước đi lại rất khó khăn do đường sá chưa được đầu tư. Thương nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, mua bán đều rất vất vả, các cháu đi học cũng khó, nhất là vào mùa mưa. Giờ đường được đổ bê tông, đi dễ hơn nhiều”. Đáng mừng là hiện 6/9 xã của huyện Phú Thiện đã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Làm đường giao thông vào xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T
Làm đường giao thông vào xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T

Huyện Chư Prông cũng được coi là điểm sáng về đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay đã có trên 165 km đường giao thông trên địa bàn huyện được làm mới và nâng cấp. Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được cán bộ, nhân dân các thôn, làng trong huyện hưởng ứng tích cực. Hay như tại huyện Chư Pưh, phong trào làm đường giao thông nông thôn để xây dựng nông thôn mới diễn ra vô cùng sôi nổi, nhiều người dân tự nguyện hiến đất để làm đường. Nhờ đó, huyện đầu tư làm mới trên 138,5 km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, các xã đã huy động gần 1.000 hộ dân hiến 115.000 m² đất, đóng góp trên 9 tỷ đồng và 34.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và tích cực từ tỉnh đến cơ sở mà hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Chỉ tính khoảng 5 năm trở lại đây, từ nguồn ngân sách tỉnh 513,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 455 tỷ đồng, nguồn do dân đóng góp 153 tỷ đồng..., toàn tỉnh đã làm mới được trên 313 km đường và nâng cấp, sửa chữa 1.213 km (bao gồm đường huyện, đường xã, đường thôn), xây dựng mới 34 cầu và 1.510 cống các loại… Mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn miền núi.

Cần  phân cấp quản lý

Tuy nhiên, đi đôi với phát triển xây dựng mới, công tác bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường cần được quan tâm, đầu tư hơn. Tổng chiều dài đường bộ của tỉnh lớn, kết cấu khá phức tạp nên mặc dù được sự quan tâm của trung ương và địa phương, được chú trọng đầu tư bằng nhiều nguồn vốn nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng. Toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 53% tổng chiều dài đường bộ là đường đất. Nhiều địa phương ưu tiên đầu tư mở đường mới hoặc nâng cấp các đường cũ đã xuống cấp nên kinh phí dành cho bảo trì đường giao thông nông thôn đang khai thác trở nên hạn hẹp.

Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết, qua kiểm tra, công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn các huyện làm tương đối tốt. Tuy nhiên, nguồn vốn cho công tác bảo trì, sửa chữa, phát quang, vét rãnh... còn khó khăn và hạn chế, chủ yếu là từ ngân sách huyện. Thực tế nguồn vốn dành cho công tác này chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. Thiết nghĩ, để khai thác hiệu quả các công trình cầu đường giao thông nông thôn thì công tác bảo trì, duy tu phải được đầu tư đúng mức. Các địa phương cần bố trí kinh phí bảo trì theo quy định để kịp thời khắc phục, sửa chữa... những đoạn hư hỏng nhằm tăng cường sự bền vững của công trình.

“Hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành  quyết định về phân cấp quản lý, vận hành, khai thác cầu, đường giao thông nông thôn để mạng lưới giao thông được quản lý một cách hệ thống từ huyện, xã, cộng đồng dân cư đến từng cá nhân, tức từ người sử dụng đến cơ quan quản lý”-ông Thái cho biết thêm.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm