Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Phấn đấu đến ngày 30-9 trở lại "bình thường mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để đến ngày 30-9, các địa phương tùy tình hình có thể chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngày 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covi-19. Cuộc họp kết nối với 63 tỉnh, thành; 705 quận, huyện, thị xã và 10.400 xã, phường, thị trấn.
Giãn cách hẹp nhất có thể
Ở điểm cầu Kiên Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình cho biết biết sau khi Thủ tướng phê bình, chấn chỉnh về công tác phòng chống dịch, tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục hạn chế và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo ông Bình, tỉnh đã thần tốc xét nghiệm sàng lọc, thực hiện đánh giá lại mức độ nguy cơ và chuyển trạng thái theo từng vùng từ ngày 20-9. Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu từng bước chuyển hóa các vùng nguy cơ cao, rất cao để sau ngày 25-9 chuyển trạng thái sang áp dụng Chỉ thị 15, trở lại bình thường mới trước ngày 30-9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải xét nghiệm tầm soát tại Phú Quốc vì đây là địa bàn nguy cơ cao. Khi phát hiện ca bệnh, Bí thư Tỉnh ủy phải ra chỉ đạo ngay, khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ tướng còn lưu ý đến việc nới lỏng giãn cách, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, thay vì khoanh vùng rộng rồi… lai rai kéo dài mà không dập được dịch.
Là địa phương vừa phát hiện chùm ca bệnh, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, khẳng định việc xét nghiệm tầm soát tại những khu vực có nguy cơ cao đã giúp phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Theo ông Huy, ban đầu tỉnh Hà Nam dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ TP Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân, nhưng khi báo cáo thì Thủ tướng yêu cầu xem lại. Sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn trong đêm và đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm.
Về việc giãn cách xã hội của tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao địa phương này đã kịp thời trao đổi để có những điều chỉnh phù hợp. Thủ tướng cho rằng khi giãn cách xã hội cả một thành phố thì phải tính đến nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội. Nếu tính toán kỹ, có thể giãn cách khu vực hẹp hơn thay vì giãn cách cả thành phố.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương trước khi thực hiện những biện pháp mạnh thì phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn của trung ương, tính toán và báo cáo cấp trên trực tiếp.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 25-9. Ảnh: Nhật Bắc
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các địa phương thống nhất quan điểm: Chuyển trạng thái từ mục tiêu "không có Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phân công nhiệm vụ cho từng bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời. Bên cạnh đó, ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Theo Thủ tướng, việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, đến ngày 30-9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả. Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải linh hoạt, không ban hành "giấy phép con" gây cản trở lưu thông hàng hóa. Ở mỗi địa phương phải thành lập "tổ công tác phục hồi sản xuất" do chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh thì có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề vắc-xin, Thủ tướng khẳng định lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ trưởng đã nỗ lực cao nhất trong triển khai chiến lược vắc-xin trong bối cảnh khan hiếm trên toàn cầu. Nhấn mạnh quan điểm "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất", không phân biệt các loại vắc-xin, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch chủ động về vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022, trên cơ sở đó bố trí ngân sách phù hợp, tiết kiệm.
Về xuất nhập cảnh, Thủ tướng chỉ đạo Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận "hộ chiếu vắc-xin". 
Thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.
Báo cáo về việc này, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết đã thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch là PC-Covid. Ứng dụng này sẽ kết nối liên thông dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, dữ liệu bảo hiểm xã hội, xác thực thông tin về người dân qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiếp sắp tới đây có hàng triệu giao dịch xác thực mỗi ngày qua ứng dụng này.
Bộ Y tế cho biết ngày 25-9, nước ta ghi nhận 9.706 ca mắc Covid-19, trong đó có 24 ca nhập cảnh và 9.682 ca trong nước. Hai địa phương có số ca mắc nhiều nhất là TP HCM với 4.046 ca và Bình Dương 3.629 ca.
Trong ngày, có thêm 10.590 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 516.449. Đến nay, nước ta đã tiêm chủng gần 37,6 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 7,55 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
N.Dung
MINH CHIẾN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm