Phóng sự - Ký sự

Phận mồ côi: Nửa thế kỷ khắc khoải tìm cha mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời còn trong cô nhi viện hoặc đã ra đời bươn chải, nhiều người mồ côi khuyết tật đau đáu đi tìm nguồn gốc của mình. Thậm chí, có những người đã hoặc sắp trải qua “60 năm cuộc đời” vẫn xót xa gọi thầm:  
Anh Nguyễn Thành Được hiện nay ẢNH: NHƯ LỊCH
Anh Nguyễn Thành Được hiện nay ẢNH: NHƯ LỊCH
Cha mẹ ơi, cha mẹ ở đâu?
Mỗi lần vào trang Facebook cá nhân của anh Nguyễn Thành Được (tạm trú xã Đức Hòa Đông, H.Đức Hòa, Long An), đập vào mắt tôi là dòng mô tả ám ảnh: “Năm 1985, 3 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi tại ngã tư Bà Huyện Thanh Quan và Võ Thị Sáu, Sài Gòn. Nguyễn Văn Thanh”.
Hàng chục năm đã trôi qua, vẫn còn đó nỗi đau và sự khát khao tìm kiếm cha mẹ của những thân phận mồ côi khuyết tật như anh Được.
 
Anh Nguyễn Thành Được khi ở trong Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt số 1 ẢNH: T.Đ
Anh Nguyễn Thành Được khi ở trong Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt số 1 ẢNH: T.Đ
Đi tìm lời giải “một người, hai tên”
Xen với lòng trắc ẩn, trong tôi cũng nảy sinh thắc mắc: Tại sao trong dòng mô tả trên Facebook, anh Nguyễn Thành Được lại ghi tên “Nguyễn Văn Thanh”? Vậy Nguyễn Văn Thanh có liên quan gì đến Nguyễn Thành Được?... Sự tò mò dẫn dắt tôi cùng đi tìm hiểu về cái tên cũng như phận đời một con người.
Chứng minh nhân dân chỉ có năm sinh 
Ngồi xe lăn bán vé số, chị Lượm (ngụ P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Ngày xưa cha mẹ bỏ chị, chị không có gốc gác gì hết, tức là vô danh. Sống trong trại mồ côi, chị được làm chứng minh nhân dân nhưng chỉ có năm sinh, không có ngày và tháng sinh. Bây giờ chị rất lo không đổi được sang căn cước công dân có gắn chip”.
Đầu năm nay, tôi và anh Nguyễn Thành Được đến thăm bà Phạm Thị Thanh (82 tuổi, ngụ P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Bà Thanh từng có thời gian dài làm nhân viên vật lý trị liệu của Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt số 1, còn gọi là Mầm non 5, tại số 215 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3 (trụ sở này hiện là Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).
Chia sẻ với chúng tôi, bà Thanh khẳng định: Năm 1985, bà và đồng nghiệp tên là Phan Văn Trí phát hiện một đứa trẻ bị bỏ rơi tại vỉa hè ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Võ Thị Sáu, sát bên Mầm non 5. Đứa bé trạc 3 tuổi, bị liệt hai chân. Cạnh bé có cái giỏ đựng chiếc áo màu xanh của trẻ con và mảnh giấy ghi tên “Nguyễn Văn Thanh”. Bà Thanh nhớ lại: “Lúc đó, ông Trí bàn với tụi tui đặt tên cho đứa trẻ lượm được là Nguyễn Thành Được. Đích thân ông Trí đi làm giấy khai sinh cho Được”.
Về phần mình, anh Được cũng từng thu thập thông tin từ nhiều người để tìm hiểu gốc gác bản thân. Anh Được tiết lộ: “Trước đây, em có hỏi thăm thầy Phan Văn Trí - người đứng khai trong giấy khai sinh của em về hai cái tên Nguyễn Thành Được và Nguyễn Văn Thanh. Thầy nói vì mê nghệ sĩ Thành Được nên đã đặt tên cho em là Nguyễn Thành Được, còn tên thiệt của em là Nguyễn Văn Thanh”.
Trên giấy khai sinh của anh Được, phần về cha mẹ chỉ là hai chữ “vô danh” ngắn ngủi, để lại khoảng trống vừa bí ẩn vừa ngậm ngùi trong lòng đứa con mồ côi.
Thuở nhỏ, thấy những đứa trẻ khác có cha mẹ đưa đón đi học và cho tiền mua bánh kẹo, cậu bé Được ao ước “được ăn bánh kẹo như tụi nó và có ai đó xuất hiện cho mình gọi là ba, là mẹ”. Được và đám bạn mồ côi từng nhiều lần canh ở quán hoặc căn tin trong trường, chờ thực khách vừa đứng lên là lượm, húp ăn đồ thừa cho đỡ thèm. Đồ chơi thời niên thiếu của Được chủ yếu từ phế phẩm ngoài đường như nắp chai, hộp thuốc lá, cọng thun...
Được cho biết hồi nhỏ anh hay bị té gãy chân, phải băng bột và nằm một chỗ dưỡng thương. Những lúc đó, Được càng cảm thấy tủi thân và lẻ loi, cần hơi ấm vỗ về. Bởi theo anh, các sơ và nhân viên trong trại mồ côi cũng tận tâm chăm sóc Được nhưng họ còn phải lo cùng lúc cho hàng chục, hàng trăm đứa trẻ đáng thương khác.
Từ năm 1998, Được và các bạn mồ côi khuyết tật được chuyển sang Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 2003, theo quy định, Được và nhóm bạn cùng lứa phải rời trung tâm để tự lập. Trong khi phần lớn bạn bè gắn cuộc đời với việc bán vé số, Được quyết chí theo học ngành ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở TP.HCM. Hiện nay, anh thuê nhà tại xã Đức Hòa Đông (H.Đức Hòa, Long An) và dạy kèm tiếng Anh để mưu sinh. “Bây giờ em đã có con. Vì vậy, em càng mong muốn tìm được người thân để cho con, cháu biết được gốc gác của chúng”, anh Được bộc bạch.
 
Bà Ngô Thị Ánh Mai hiện giờ (phải) và bài tự sự Tuổi buồn của em lúc bà 18 tuổi ẢNH: NHƯ LỊCH
Bà Ngô Thị Ánh Mai hiện giờ (phải) và bài tự sự Tuổi buồn của em lúc bà 18 tuổi ẢNH: NHƯ LỊCH
60 năm ngóng tìm cha mẹ
Trong căn nhà chật hẹp thuộc đường Lê Văn Duyệt (P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bà Ngô Thị Ánh Mai (61 tuổi) vẫn lưu giữ những quyển nhật ký về quãng đời sống trong cô nhi viện.
Gần đây, tôi được bà Mai cho xem bài tự bạch “Tuổi buồn của em” viết vào ngày 30.6.1978 lúc bà tròn 18 tuổi. Gần nửa thế kỷ trôi qua, hình vẽ một cô gái vừa trầm tư vừa lãng mạn với mái tóc bồng bềnh cùng hoa lá trên trang giấy học trò vẫn chưa hề phai nhạt. Bên dưới là những dòng chân chất trĩu nặng mặc cảm và buồn lo:
“Tuổi em là tuổi mười tám/Em đã trưởng thành một cô gái/Một cô gái mới chập chững vào đời/Em tưởng đâu đời là dễ sống/Nhưng không phải lòng em tưởng đâu/Đời có nhiều sự thử thách, gay go lắm ạ/... Vì em là một cô gái tàn tật/Nghèo nàn không cha, không mẹ/Từ thuở mới lọt lòng/Lúc đó không biết trôi dạt vào đâu/Khi lớn lên em mới biết/Em sống cùng với bao đứa trẻ mồ côi/Dưới mái nhà cô nhi buồn tẻ/... Em muốn hóa thành một loài cỏ dại/Để không ai dòm ngó/Với cặp mắt thương hại”.
Theo những thông tin bà Mai chắp nhặt được, từ nhỏ đến năm 15 tuổi, bà sống trong một ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi ở Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1975, sư trụ trì gửi bà Mai cùng một số trẻ mồ côi vào TP.HCM. Do bị liệt đôi chân, bà Mai chuyển qua nhiều nơi trước khi được nhận vào Mầm non 5. Đến tuổi trưởng thành, bà Mai cùng một số người bạn đồng lứa phải rời trung tâm. Bà từng bán tạp hóa, làm thợ may... để mưu sinh. Từ khi bị gãy chân khiến sức khỏe càng suy giảm, bà Mai phụ việc cho một người bạn bán đồ ăn tại nhà.
Phần khai về cha  mẹ trong giấy khai sinh của anh Được chỉ là “vô danh”   
Cách đây khoảng 20 năm, nhờ sự giúp sức tìm kiếm từ gia đình bên vợ, người anh kế (định cư ở Pháp) và bà Mai đã được hội ngộ. Qua lời kể của người anh kế, bà Mai biết được nhà bà có bốn anh em. Khi bà chào đời với cơ thể không lành lặn, cha mẹ đã đưa vào cô nhi viện. Người anh cả, cô em út và cha mẹ của bà Mai biệt tích từ thời chiến tranh loạn lạc cho đến nay.
Theo bà Mai, anh trai kế của bà đã già yếu, kinh tế cũng chật vật nên hiếm có dịp về thăm em gái. Bà Mai trải lòng: “Tôi được biết mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mắm và ba tôi là Ngô Văn Tình. Tính ra, nếu họ còn sống thì nay đã ngoài 80 tuổi. Tuy bị bỏ rơi, nhưng tôi khao khát được gặp ba mẹ. Dù sao, họ cũng sinh ra mình...”.
Tôi nghe bà Mai cởi mở trò chuyện và đọc lại tự sự của bà năm 18 tuổi, chợt vỡ ra rằng: Trải nghiệm cuộc đời và tuổi tác có thể khiến người ta nhìn nhận các sự việc, biến cố điềm tĩnh hơn, bao dung hơn.
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm