Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Phát hiện bằng chứng cho thấy pharaoh Ai Cập là một người khổng lồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một pharaoh Ai Cập cổ đại trị vì cách đây 4.700 năm là một người khổng lồ, theo lời các nhà khoa học.

Trang Newsweek.com cho biết, di cốt được cho là của vua Sanakht, người trị vì vương triều thứ ba, là đại diện cho ca bệnh khổng lồ lâu đời nhất từng được phát hiện - cho thấy tình trạng này không liên quan đến sự cô lập xã hội.

 

Hộp sọ được cho là của vua Sanakht.

Trong một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet, các chuyên gia đã phân tích di cốt được phát hiện hồi năm 1901 trong một hầm mộ gần Beit Khallaf, Ai Cập, cách Luxor khoảng 70 dặm về phía tây bắc.

Mặc dù không rõ lăng mộ này là của ai, nhưng các mảnh chạm khắc có tên vua Sanakht khiến người ta tin rằng nó thuộc về vị vua ít được biết đến này.

Lăng mộ lưu giữ hài cốt của một người đàn ông rất cao: khi đứng, ông ta sẽ cao khoảng 187 cm. Con số này lớn hơn nhiều so với người Ai Cập thời đó với chiều cao trung bình khoảng 1,6 mét.

Nhà nghiên cứu Francesco M. Galassi của đại học Zurich và các đồng nghiệp tin rằng chiều cao bất thường của Sanakht là kết quả của bệnh khổng lồ, một dạng bệnh do hormone dẫn đến tăng trưởng quá mức bất thường. Nếu đúng là như vậy, đây sẽ là ca bệnh sớm nhất từng được phát hiện.

Những bộ xương khác cũng được chẩn đoán bị to đầu chi, và mặc dù cả bệnh to đầu chi và bệnh khổng lồ có nguyên nhân giống nhau, nhưng to đầu chi xảy ra ở tuổi trưởng thành, còn bệnh khổng lồ lại xuất hiện từ thời thơ ấu.

Trong cuộc điều tra của mình, nhóm nghiên cứu đã xem xét các số đo khác nhau của xương sọ vua Sanakht và so sánh chúng với các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu nhân chủng học. Họ ghi lại các chiều cao trung bình của người dân thường Ai Cập cổ đại để xem nhà vua cao hơn bao nhiêu.

Mặc dù người hoàng gia thường cao to hơn dân thường, nhưng vua Sanakht "cao hơn nhiều" so với những người khác. "Từ tất cả các xác ướp hoàng tộc đã biết, không vị vua hay hoàng hậu nào thỏa mãn các điều kiện của bệnh khổng lồ", nhóm nghiên cứu viết.

Sau khi phân tích bộ xương, họ nói rằng "chỉ các xương dài của ông cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ (bệnh khổng lồ), và nói thêm rằng các số đo gương mặt của nhà vua không đạt cùng độ lớn tương ứng. "Sanakht có thể đã bị bệnh khổng lồ và là trường hợp lâu đời nhất được biết đến trên thế giới.

"Trong thời cổ đại, không có biện pháp điều trị bằng phẫu thuật hay dược phẩm nào; do đó việc chiều cao chững lại chỉ có thể là do sự thoái hóa tuyến yên. Chứng nhồi máu, một hiện tượng lâm sàng được biết đến trong thế giới hiện đại có thể cũng đã xuất hiện".

Mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý "còn nhiều điều chưa chắc chắn" rằng di cốt trong hầm mộ có phải của Sanakht hay không, "đánh giá y học về ca bệnh khổng lồ tiềm năng này có giá trị rất lớn vì đây có thể là ca bệnh lâu đời nhất được phát hiện".

Hơn nữa, ngay cả khi người khổng lồ này không phải là vua Sanakht, thì rất có thể ông ta cũng là một người thuộc tầng lớp trên. "Thực tế là người này được chôn cất rất trịnh trọng trong một lăng mộ Mastaba cao quý sau khi đã trưởng thành cho thấy rằng bệnh khổng lồ ở thời này có thể không liên quan đến việc bị gạt ra ngoài lề xã hội".

Phát hiện mới có thể khai sáng về xã hội Ai Cập cổ đại. Thời đó, những người thấp bé và người lùn đã nắm giữ những chức vụ đặc biệt và thường được tin là sở hữu những món quà từ thiên đàng.

"Mặc dù những người thấp bé được ưa thích hơn ở Ai Cập cổ đại, nhất là trong giai đoạn vương triều đầu tiên, chúng ta không có bằng chứng rằng những người cao lớn phải chịu bất lợi xã hội đặc biệt nào", các nhà nghiên cứu kết luận.

Mai Nguyễn/TTXVN

Có thể bạn quan tâm