Chính trị

Tin tức

Tiến tới bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp

“Phát huy dân chủ và đảm bảo đúng luật, để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp!”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Phạm Đình Thu
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh Gia Lai.
* Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Gia Lai, ông có thể cho biết về quy mô tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại tỉnh nhà?
- Ông Phạm Đình Thu: Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBBC về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng thời, xác định đây là cuộc bầu cử 4 cấp cùng diễn ra trong một ngày, với những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải có sự nỗ lực lớn và sự chuẩn bị chu đáo, để đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử. Đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trên địa bàn được triển khai thực hiện đúng luật, dân chủ và đảm bảo quy trình.
Tỉnh đã thành lập 3 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, 22 Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 165 Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân nhân cấp huyện, 1.542 Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã và 1.653 tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ảnh: Thanh Nhật
Sau khi thực hiện các quy trình hiệp thương lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, toàn tỉnh có 13 ứng cử viên đại biểu Quốc hội (tỉnh hiệp thương lập danh sách chính thức 10 người và Trung ương hiệp thương, phân bổ 3 người), để bầu ra 7 đại biểu. Ngoài ra, có 121 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh để bầu ra 77 đại biểu; 924 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện để bầu 594 đại biểu; 9.017 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã để bầu ra 5.933 đại biểu. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã phân bổ danh sách chính thức 13 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII tại 3 đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh; đồng thời công bố danh sách 121 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 tại 22 đơn vị bầu cử trong tỉnh. Bên cạnh đó, cấp huyện, xã cũng đã phân bổ ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân về các đơn vị bầu cử.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 810.851 cử tri (chưa tính số cử tri của lực lượng vũ trang). Tất cả các địa phương trong tỉnh đã tiến hành xong việc lập và niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và danh sách ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cũng như danh sách cử tri tại các đơn vị bầu cử theo đúng thời gian quy định. Các địa phương đang hoàn tất những việc chuẩn bị còn lại để sẵn sàng cho ngày bầu cử.
* Xin ông cho biết định hướng chỉ đạo trong công tác bầu cử, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương thời gian tới là gì?
- Ông Phạm Đình Thu: Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đi bầu cử nhằm tạo không khí sôi nổi để ngày bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là ngày hội của toàn dân; đồng thời cuộc bầu cử phải được tiến hành đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh và giải quyết khiếu nại tố cáo; phân công cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách nắm tình hình an ninh, trật tự tại từng tổ, từng đơn vị bầu cử; dự lường các tình huống có thể xảy ra để có các phương án giải quyết tránh bị động, lúng túng. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được tổ chức thành công, an toàn, tiết kiệm.
Trong quá trình đi bầu cử, cử tri cần phát huy quyền và nghĩa vụ công dân, quan tâm xem xét, lựa chọn thật kỹ những đại biểu thật sự ưu tú xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; có tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác, thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, gắn bó với cử tri, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Đồng thời với công tác chuẩn bị bầu cử, các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm công tác chỉ đạo sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Sau cuộc bầu cử tiếp tục chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổ chức tuyên truyền quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XI của Đảng, nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các Nghị quyết của Đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2010-2015, sớm đưa các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, gắn với phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2011, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương trong nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sắp tới.
*  Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử!
Thanh Nhật (thực hiện)
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm