Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát huy giá trị đình miếu cổ ở Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn với cộng đồng dân cư từ buổi đầu lập làng, nhiều ngôi đình, miếu ở vùng đất Tây Sơn Thượng vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, trở thành chứng tích lịch sử cũng như làm nên bề dày trầm tích văn hóa nơi này. Trong khoảng 40 đình, miếu trên địa bàn, cụm đình miếu Tân Lai (tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê) vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc.

Đình cổ trăm tuổi

Giữa cái nắng chang chang, chúng tôi theo chân ông Lê Quý (thôn 3, phường An Bình, thị xã An Khê) đến thăm cụm đình miếu Tân Lai. Phụ trách trông coi việc thờ cúng, ông là người rành rẽ nhất về lịch sử của cụm đình, miếu cổ kính này. Bước sang tuổi 82, trận ốm vừa qua khiến ông thêm yếu nhưng khi nghe nhắc đến cụm đình miếu Tân Lai, ông bỗng trở nên nhanh nhẹn, rành rọt kể chuyện và nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan từng nơi.

 

Ông Lê Quý bên phần cổng đã hơn 100 tuổi của đình Tân Lai. Ảnh: P.L
Ông Lê Quý bên phần cổng đã hơn 100 tuổi của đình Tân Lai. Ảnh: P.L

Cụm đình, miếu Tân Lai gồm có: đình Tân Lai, miếu Tân Lai và miếu Tân Chánh. Đình Tân Lai nằm trên một khu đất trống khá rộng ở thôn 3 (phường An Bình), nơi dân gian vẫn gọi là Gò Đình. “Làng Tân Lai được lập vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XIX. Đây là nơi thứ 3 đình Tân Lai được di dời đến”-ông Lê Quý kể lại. Ngày ấy, đình được xây dựng bằng những vật liệu đơn giản, mái bằng tranh tre, vách trét đất với cấu trúc 3 gian thờ gồm: chính điện thờ thần, gian bên phải thờ tiền-hậu hiền, gian bên trái thờ vong linh.

Khoảng năm 1963, đình Tân Lai được trùng tu, thay mái tranh bằng mái ngói. Đến năm 1972, các phần tranh tre mới được thay thế hoàn toàn bằng vách xây cho đến nay. Một trong những kiến trúc độc đáo mà đình Tân Lai vẫn giữ vẹn nguyên qua hơn 100 năm chính là phần cổng tam quan và bức bình phong cùng hoa văn chạm trổ, các linh vật như: rồng, lân, phượng, hạc… 2 sắc phong của vua được ông Lê Quý cất giữ kỹ càng trong một chiếc hộp sơn son thếp vàng, đặt trong một chiếc hộp bằng kính có ổ khóa chắc chắn. Dạo quanh đình, ngắm nhìn và tận tay chạm vào những đường nét chạm trổ, cảm nhận thời gian khoác lên ngôi đình một màu xưa cũ, cổ kính, lòng lữ khách không khỏi thấy bâng khuâng.

Rời ngôi đình, chúng tôi đến thăm miếu Tân Lai. Miếu nằm sát quốc lộ 19, phần cổng xoay vào con đường hẻm nên nếu không phải người sở tại sẽ rất khó để nhận ra. Từ bên ngoài vào miếu là cột cờ, tiếp đến là cổng tam quan, cổ lầu. 2 tầng mái ngói thì mái hạ có đôi rồng chầu, mái thượng có phụng nghinh, trên đỉnh là lưỡng long chầu nguyệt. Bước qua cánh cổng gỗ là tới bức bình phong. Qua khoảng sân rộng tới chính điện và 2 gian thờ. Lần tu sửa gần đây nhất giúp cho ngôi miếu có hình dáng như ngày nay là vào năm 1897. Từ ngày ấy, miếu đã được xây bằng gạch, vôi, vữa, có các linh vật và các đường nét chạm trổ tinh tế, sắc sảo nhờ đôi tay những người thợ lành nghề đến từ miền xuôi. Trải qua hơn 120 năm nhưng kiến trúc ban đầu vẫn gần như nguyên vẹn. Giữa đời sống phố thị nhộn nhịp với các kiến trúc nhà xây hiện đại, ngôi miếu ấy càng thêm trầm mặc, cổ kính.

Phát huy giá trị văn hóa

Trong khoảng 40 đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê thì có khoảng 11 ngôi đình, miếu cổ. Dấu ấn thời gian in hằn lên từng mảng tường loang lổ rêu phong, từng cây cột nghiêng ngả, đổ vỡ; từng cánh cửa lỏng lẻo, xộc xệch… Hàng năm, tùy vào điều kiện của từng nơi, người dân vẫn cố gắng duy trì tổ chức các lễ cúng tại các ngôi đình, miếu, thể hiện tấm lòng tri ân của hậu sinh  đối với các bậc tiền hiền. Phụ trách việc trông coi và cúng tế tại cụm đình, miếu Tân Lai từ năm 1975 đến nay, ông Lê Quý nói: “Mỗi năm, cụm đình, miếu Tân Lai vẫn duy trì các lễ cúng Khai sơn, Khai hạ, Quý xuân, Quý thu… Các bài cúng vẫn được tôi gìn giữ nguyên vẹn, đầy đủ như người xưa truyền lại. Để nét văn hóa độc đáo này không bị mất đi, chúng tôi luôn cố gắng duy trì phần lễ thật đầy đủ, chính xác và long trọng nhất có thể”.

Với bề dày văn hóa gắn liền với lịch sử của một vùng đất, cụm đình miếu Tân Lai, đình Tân An (phường An Bình) và Thanh Minh tự (phường Tây Sơn) đang được thị xã An Khê triển khai làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Khá nhiều khó khăn trong việc xác minh lai lịch, nguồn gốc của các công trình, bởi tư liệu liên quan đến miếu, đình trên địa bàn thị xã An Khê đều ở dạng truyền khẩu, rất ít ghi chép. Các cụ cao niên cũng dần vắng bóng. Song những dấu tích mà các ngôi đình, miếu cổ này còn để lại như: kiến trúc, sắc phong, các bức hoành phi, câu đối, tượng linh vật… cùng với các nghi thức lễ cúng vẫn là những yếu tố quan trọng, là cơ sở để xem xét công nhận di tích lịch sử, văn hóa có giá trị.

Anh Trần Đình Luân-Trưởng bộ phận Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo (Trung tâm Văn hóa-Thể thao thị xã An Khê) cho hay: “An Khê là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Rất nhiều đình, chùa, miếu mạo tồn tại hàng thế kỷ có giá trị văn hóa, tâm linh là những minh chứng. Việc xây dựng hồ sơ di tích sẽ góp phần khẳng định giá trị to lớn của các công trình, thêm một điểm đến cho du khách khi ghé thăm vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử cũng tạo điều kiện để các đình, miếu cổ đang có nguy cơ xuống cấp được các cấp, các ngành, các đơn vị quan tâm đầu tư trùng tu, sửa chữa kịp thời, giúp bảo lưu, gìn giữ và phát huy hơn nữa các giá trị quý báu vốn có ở nơi này”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm