Bạn đọc

Phạt nặng người phát tờ rơi, quảng cáo bừa bãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 2- 5 trăm ngàn đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Cũng có vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng…

 Tờ rơi vương vãi khắp nơi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Tờ rơi vương vãi khắp nơi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.


Những vấn đề trên được quy định rõ tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5-5-2017.

Trước tình trạng nhức nhối, phản cảm về việc phát tờ rơi và thực hiện các loại hình quảng cáo trên đường, cây xanh, cột điện. Thậm chí, nhiều trường hợp còn lợi dụng buổi tối để vẽ, dán, gắn quảng cáo bừa bãi. Nghị định 28/2017/NĐ-CP ra đời tạo điều kiện cho ngành chức năng căn cứ vào đó để đề ra những biện pháp chế tài trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo.

Cụ thể, Điều 51 của Nghị định 158 quy định xử phạt hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1-2 triệu đồng thì Nghị định 28 xác định rõ hơn các chủ thể phải bị xử lý. Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi nêu trên thì các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Điểm mới nữa mà dư luận rất quan tâm được quy định tại Điều 61, đó là phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.

Nghị định 28 cũng quy định phạt 2-5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông được quy định.

Với những quảng cáo thiếu chuẩn xác, sai sự thật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo bị phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng. Thậm chí, có hành vi bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng nếu quảng cáo trên các sản phẩm in là bản đồ hành chính, giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước...

2 Hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1-2 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Trước đó, bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, Nghị định 28/2017/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực, trong đó có hoạt động quảng cáo.

Theo bà, Nghị định đã bổ sung thêm những chế tài xử lý nhiều hành vi vi phạm mà trước đây chưa có cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt. Đây là điều kiện rất thuận lợi nhằm siết chặt và tiếp tục đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này...

Ngoài ra, Nghị định 28 cũng bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực lễ hội, di tích. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội bị phạt từ 3-5 triệu đồng…

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm