Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển cây dược liệu ở Gia Lai chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngày 3-7-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Kết quả bước đầu

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về bảo tồn, phát triển cây dược liệu được chú trọng. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Trường Cao đẳng Gia Lai, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, VNPT Gia Lai tổ chức hơn 5.400 buổi tuyên truyền thu hút hơn 215.000 lượt hội viên, nông dân tham gia thông qua hình thức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”... Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tổ chức truyền thông chuyên đề, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, qua mạng xã hội Facebook, Zalo… với 16.318 lượt hội viên tham gia.

Trong 3 năm qua, Báo Gia Lai đã thực hiện khoảng 280 tin, bài, clip và 320 ảnh trên các ấn phẩm. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện khoảng 2.000 tin, bài, phóng sự; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan trong chương trình thời sự và các chuyên mục trên 2 làn sóng phát thanh và truyền hình. Nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào việc giới thiệu các mô hình nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến các chính sách, dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, sản xuất dược liệu…

Diện tích cây gừng của gia đình anh Phạm Văn Khiêm, xã An Trung, huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh
Diện tích cây gừng của gia đình anh Phạm Văn Khiêm, xã An Trung, huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh



Đến cuối tháng 6-2022, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh khoảng 4.000 ha, tăng 3.001,97 ha so với năm 2020. Trong đó, diện tích cây dược liệu dưới tán rừng khoảng 956,9 ha, tăng 696,3 ha so với năm 2020. Một số cây dược liệu dưới tán rừng có diện tích lớn như: mật nhân 210 ha, sa nhân 576 ha… và cây dược liệu khác 149 ha, phân bố tại các huyện: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang. Diện tích cây dược liệu trồng trên đất nông nghiệp khoảng 3.030,6 ha, tăng 2.305,67 ha so với năm 2020. Trong đó, đinh lăng 747,5 ha, nghệ 465,5 ha, gừng 362,4 ha, sa nhân 68 ha, sâm bố chính 40,3 ha, sâm đương quy 73,1 ha, sả 418,2 ha, cà gai leo 90,7 ha…

Tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất dược liệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư liên quan đến phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư khoảng 497 tỷ đồng; có 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821,39 ha, tổng dự kiến vốn đầu tư trên 7.272 tỷ đồng. Một số dự án lớn đang kêu gọi đầu tư như: dự án phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Kbang với quy mô khoảng 500 ha, dự kiến vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất rau, hoa, cây ăn quả tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) với quy mô khoảng 500 ha; dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các công ty TNHH một thành viên nông-lâm nghiệp liên kết với các doanh nghiệp dự kiến vốn đầu tư khoảng 2.677 tỷ đồng; dự án Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ayun và xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) với quy mô khoảng 282,72 ha, dự kiến vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng...

Những năm gần đây, tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn và bước đầu đã có sự đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu dược liệu ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP). Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện liên kết sản xuất các loại cây dược liệu giữa một số hợp tác xã, hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng diện tích 95,55 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến dược liệu là Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai đầu tư nhà máy chế biến tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), Nhà máy dược liệu tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh với công suất 890 tấn dược liệu/năm. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chế biến dược liệu, các sản phẩm dược liệu được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 26 sản phẩm dược liệu được chứng nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao.

Bảo tồn, phát triển cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ

Cùng với những kết quả đạt được bước đầu, việc phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Cụ thể, sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu; chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chế biến cây dược liệu; sự liên kết giữa trồng, thu mua, chế biến trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào phát triển dược liệu chưa nhiều; tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn và phát triển dược liệu còn nhiều bất cập, khai thác chưa đi đôi với bảo tồn; chưa hình thành cơ sở sản xuất giống dược liệu để sản xuất, cung cấp cây giống chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng.

Mô hình trồng cây dược liệu của HTX Nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai, huyện Kbang) phát triển tốt. Ảnh: Minh Nguyễn
Mô hình trồng cây dược liệu của HTX Nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai, huyện Kbang) phát triển tốt. Ảnh: Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, việc đầu tư thâm canh dược liệu theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt chưa được người dân quan tâm; nhiều hộ nông dân chưa chú trọng đến việc sử dụng phân hữu cơ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm và đầu tư chưa đủ mạnh. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu chưa được chú trọng. Tỉnh chưa hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên.

Để việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến hiệu quả hơn cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách và định hướng bảo tồn, phát triển sản xuất dược liệu gắn với Chương trình OCOP. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chủ rừng và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong hoạt động bảo tồn, khai thác, sản xuất, kinh doanh dược liệu kết hợp làm du lịch sinh thái. Phổ biến và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả và các cơ chế chính sách bảo tồn, phát triển dược liệu gắn phát triển ngành, nghề truyền thống, quảng bá và phát triển du lịch.  

Chú trọng củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ khâu tổ chức sản xuất dược liệu đến tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị, trên cơ sở phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ rừng, tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây dược liệu với các kênh tiêu thụ sản phẩm dược liệu thông qua hợp đồng kinh tế. Đồng thời, kết nối ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm dược liệu nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu hàng hóa có lợi thế của tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước; hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo chuỗi giá trị, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến, chiết xuất và hoàn thiện sản phẩm dược liệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, từ đó thúc đẩy đưa nhanh các sản phẩm dược liệu Gia Lai đến tay người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

 

TỐNG THỚI MỐC

 

Có thể bạn quan tâm