Kinh tế

Giá cả thị trường

Phát triển điện mặt trời mái nhà ở Kbang: Chưa đúng tiêu chí "điện trên-trại dưới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Sở Công thương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra 19 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại huyện Kbang. Qua thực tế kiểm tra cho thấy nhiều hệ thống ĐMTMN trang trại nông nghiệp chưa thực hiện đúng tiêu chí “điện trên-trại dưới”.

Điện mặt trời “núp bóng” trang trại

Qua kiểm tra 19 hệ thống ĐMTMN trang trại thì có 17 công trình lắp trên mái tôn, 2 công trình lắp trên mái nhựa. Hầu hết dưới mái các công trình không có trang trại. Thậm chí, có doanh nghiệp còn để đất không, chỉ có số ít trồng dâu tây, nấm, đinh lăng… nhưng cũng chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó.

Vì áp lực phải hoàn thành hệ thống, đấu nối trước ngày 31-12-2020 để được hưởng giá ưu đãi 1.943 đồng/kWh áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện (theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ) nên việc triển khai làm trang trại nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng như hồ sơ đăng ký.

 Nhiều hệ thống ĐMTMN trang trại nông nghiệp chưa thực hiện đúng tiêu chí “điện trên-trại dưới”. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều hệ thống ĐMTMN trang trại nông nghiệp chưa thực hiện đúng tiêu chí “điện trên-trại dưới”. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Nguyễn Thành Ánh-đại diện Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Thái Dương Gia Lai (xã Lơ Ku, huyện Kbang) cho biết: “Hiện tại, Công ty đã trồng măng tây và đinh lăng. Công ty đang làm hồ sơ để triển khai trang trại nông nghiệp theo Thông tư số 02/2020/TTBNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Các loại cây trồng đăng ký là măng tây, nha đam và một số cây dược liệu. Đến nay, Công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cánh đồng Việt và Công ty Nông sản Dũng Hà (Hà Nội)”.

Tương tự, ông Huỳnh Nguyễn Quốc Hưng-cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Lê Huy Gia Lai (xã Nghĩa An, huyện Kbang) cho hay: Trang trại của Công ty đang hướng đến trồng đinh lăng, nấm. Khi đưa hệ thống vào hoạt động thì Công ty cũng bắt đầu trồng nấm và đã thu hoạch.

“Từ khi tôi tiếp nhận công trình đã tiến hành khảo sát và nhận thấy bề mặt công trình rất khó canh tác. Vì vậy, tôi cũng đề xuất triển khai mô hình nuôi bồ câu Pháp và có thể cải tạo lại đất để trồng thêm cây đinh lăng”-ông Hưng nói.

Phải đảm bảo tiêu chí “điện trên-trại dưới”

Theo quy định, các loại trang trại phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất theo tiêu chí trang trại mới lắp đặt ĐMTMN. Khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trang trại thì ký đấu nối bán điện với đơn vị mua điện. Song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang làm theo quy trình ngược.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ-cán bộ Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Qua kiểm tra, đa số doanh nghiệp chưa triển khai mô hình trang trại như đã đăng ký, một số có triển khai trồng cây dưới mái công trình, nhưng lại không đúng với tiêu chí về trang trại theo Thông tư số 02/2020/TTBNNPTNT. “Vì vậy, các chủ đầu tư phải phối hợp với UBND xã, huyện để xác định đúng sản phẩm chính của trang trại là gì, xem có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương hay không”-bà Lệ nói.

Ảnh: Vũ Thảo
Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các hệ thống điện mặt trời mái nhà đều chưa có trang trại bên dưới mái công trình. Ảnh: Vũ Thảo


Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, từ giữa năm 2020, các nhà đầu tư đến xin chủ trương đầu tư liên kết sản xuất, chủ yếu là mô hình kinh tế trang trại. Quan điểm của huyện rất đồng tình việc này nhằm phát huy lợi thế của địa phương cũng như tạo ra giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.

Trên thực tế, các đơn vị có triển khai trồng trọt dưới mái công trình ĐMTMN. Tuy nhiên, theo phương án làm kinh tế trang trại là chưa có. Từ thực tế này, vào cuối năm trước, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn kiểm tra các hệ thống ĐMTMN cũng như nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư sớm thực hiện đúng phương án đã đăng ký với huyện.

Ngoài việc phát hiện chưa đúng với quy định “điện trên-trại dưới”, quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện 1 chủ đầu tư sở hữu nhiều hệ thống ĐMTMN dưới 1 MW với những tên gọi công ty khác nhau. Có thể thấy, dựa trên chính sách khuyến khích ĐMTMN nên các nhà đầu tư đã lách luật, chia nhỏ suất đầu tư (dưới 1 MW) để được hưởng giá ưu đãi hơn so với giá điện mặt trời nối lưới.

Việc phát triển số lượng hệ thống ĐMTMN đã cung cấp được nguồn điện năng khá lớn và góp phần đẩy mạnh tăng trưởng giá trị công nghiệp của địa phương cũng như đóng góp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Trung bình 1 MW điện năng lượng mặt trời sẽ đóng góp cho ngân sách hơn 200 triệu đồng/năm. Rõ ràng, lợi ích từ việc phát triển điện mặt trời là rất lớn. Do đó, đợt kiểm tra nhằm chấn chỉnh sai sót, để các hệ thống này đi vào hoạt động đúng “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế trang trại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, vừa phát triển năng lượng điện mặt trời.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm