Kinh tế

Giá cả thị trường

Phát triển điện mặt trời - thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát: Nỗi lo xử lý môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với hàng ngàn MW điện mặt trời đã vận hành và hơn 10.000MW điện mặt trời đang đề nghị bổ sung quy hoạch, cả nước đã có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra vấn đề về xử lý pin năng lượng mặt trời (tấm quang điện) khi hết hạn sử dụng như thế nào? Đây là bài toán không đơn giản và ngay cả trên thế giới các nhà khoa học cũng có ý kiến khác nhau khi đánh giá về mức độ độc hại của nó. Ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Lắp điện mặt trời trên mái nhà một hộ dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh
Lắp điện mặt trời trên mái nhà một hộ dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh


Xử lý pin sau sử dụng thế nào?

Theo Quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công Thương, mục tiêu điện mặt trời trong năm 2020 sẽ đạt 850 MWp, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp vào cán mốc 12.000 MWp năm 2030. Tuy nhiên, ngay khi có Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tính đến 31.12.2020 cả nước có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp.

Điều đáng nói, điện mặt trời phát triển như vũ bão khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng. Trong đó, trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án kết thúc vẫn chưa có.

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, những tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.

"Pin năng lượng mặt trời là một trong những biện pháp, công cụ hữu ích giúp biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Nhưng cấu tạo của những tấm pin năng lượng mặt trời có đến 76% là pin, 10% polyme, 8% nhôm, 5% nguyên tố silic, 1% đồng và các loại kim loại như chì, thiếc... Nếu mang đi chôn lấp không đúng quy định thì các thành phần có trong tấm pin năng lượng mặt trời sẽ không được phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường.

Vì không được phân huỷ, những chất thải này sẽ làm cho chất lượng đất vĩnh viễn không thể cải thiện được. Trường hợp những chất thải này hoà tan một phần hoặc tan vào nước thì cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người" - bà Đặng Thị Kim Chi cho biết.

Nói về những khó khăn trong vấn đề xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn, GS-TS Đặng Thị Kim Chi cho biết, đối với các nước phát triển và đang phát triển, pin năng lượng mặt trời được xử lý theo 4 giai đoạn khác nhau: Chế tạo pin năng lượng mặt trời - vận chuyển pin đến nhà máy - sử dụng và thu hồi.

Việc thu hồi pin mặt trời trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nhà máy sử dụng pin mặt trời cho phát điện. Các nước phát triển rất quan tâm đến vấn để xử lý, thu gom pin mặt trời đã qua sử dụng, bởi vì nếu không xử lý tốt thì sẽ có khối lượng khổng lồ chất thải ra môi trường, làm huỷ hoại môi trường.

Theo bà Chi, việc xử lý những tấm pin mặt trời rất khó khăn, bởi trong tế bào quang điện ở pin mặt trời có các thành phần nguy hại như: Antimomny, arsenic, barium, cadmium, chì, coban, kẽm, molybdennum, thuỷ ngân... Quá trình xử lý phải được tái chế hết sức chặt chẽ như tháo gỡ khung nhôm bằng phương pháp thủ công.

Sau đó tách các lớp vật liệu, tế bào và modum của tấm pin năng lượng mặt trời và dỡ bỏ tế bào quang điện. Trong việc dỡ bỏ tế bào quang điện phải sử dụng phương pháp hoá học và axit nitric, dung môi hữu cơ... để hoà tan, hoặc sử dụng phương pháp nhiệt phân. Đây đều là những phương pháp khó và phức tạp, đòi hỏi quá trình xử lý phải cẩn thận và kỹ lưỡng.

Đồng quan điểm, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường - cho rằng, trên thế giới, quá trình sản xuất tế bào tấm pin mặt trời sử dụng một số vật liệu nguy hại, chủ yếu để làm sạch bề mặt chất bán dẫn. Những hóa chất này, tương tự như những hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn nói chung, bao gồm axit clohydric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua và axeton. Số lượng và loại hóa chất được sử dụng phụ thuộc vào loại tế bào tấm pin mặt trời, lượng làm sạch cần thiết và kích thước của tấm silicon.

Ngoài ra, người lao động cũng phải đối mặt với việc hít phải bụi silicon. Do đó, các nhà sản xuất tế bào tấm pin mặt trời phải đảm bảo rằng công nhân không bị tổn hại khi tiếp xúc với các hóa chất này và các sản phẩm thải ra từ quá trình sản xuất được xử lý đúng cách.

Nếu không được xử lý và tiêu hủy đúng cách, những vật liệu này có thể gây ra các mối đe dọa đến môi trường, hoặc sức khỏe cộng đồng.

Cần đi trước một bước

Theo GS-TS Đặng Thị Kim Chi, hiện nay, việc quản lý chất thải rắn và nguy hại đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành, thông qua nhiều nghị định, thông tư khác nhau. Song, với chất thải là những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn - hiện vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xếp vào dạng chất thải nguy hại hay chất thải rắn thông thường. Cũng bởi chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý vấn đề này còn lúng túng, bị động - trong khi tốc độ phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời đã bùng nổ trong thời gian qua.

"Theo quan điểm của tôi, để xử lý những tấm pin năng lượng mặt trời, tránh gây hại cho môi trường, trước hết là các giải pháp về chính sách. Trong đó, cần quan tâm vấn đề quản lý các tấm pin như thế nào, chính sách thu hồi ra sao? Ngoài ra, chính sách khuyến khích tái sử dụng và tái chế các loại pin này, cũng như các biện pháp để giảm khối lượng chất thải ra cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đi ngay vào các giải pháp kỹ thuật, làm sao có được đánh giá về các giải pháp công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời, xử lý pin năng lượng mặt trời thải ra, phù hợp nhất với điều kiện môi trường của Việt Nam" - bà Chi nói.

Theo chuyên gia này, trong luật Bảo vệ Môi trường mới được thông qua, không có điều luật nào quy định đối với chất thải là tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng lại có nhiều văn bản và vấn đề liên quan đến việc xử lý các sản phẩm thải bỏ theo hướng tuần hoàn lại chất thải.

"Luật đã ban hành, nhưng việc quản lý chất thải tấm pin năng lượng mặt trời có thể đưa vào các thông tư, nghị định để hướng dẫn thu hồi, xử lý, tái sử dụng ở Việt Nam. Trong luật cũng đã đưa ra vấn đề về kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thống nhất quản lý, để giảm chất thải, nâng cao việc tái sử dụng, tái chế.

Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu những tấm pin mặt trời; các nhà sản xuất nước ngoài phải có cam kết thu hồi sản phẩm đó. Nhưng, cũng cần xem xét tính khả thi lâu dài, pin này có tuổi thọ rất cao từ 15-25 năm. Vậy không rõ đến thời điểm hết hạn, các nhà sản xuất đó có còn phát triển để cam kết thu hồi hay không? Do đó, chúng ta cần lo trước, cần xử lý pin mặt trời trước khi tin tưởng vào nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ thu hồi" - GS-TS Đặng Thị Kim Chi cho hay.

https://laodong.vn/xa-hoi/phat-trien-dien-mat-troi-thua-he-luy-thieu-kiem-soat-noi-lo-xu-ly-moi-truong-922842.ldo
 

Theo Cường Ngô - Nguyễn Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm