Ngày 23-6, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Quang cảnh hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng |
Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban kinh tế Trung ương, nhiều Bộ, ban ngành trung ương. Phía các địa phương, có quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, ông Lê Hoàng Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Rah Lan Chung - Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM, cùng nhiều sở ban ngành, đại diện doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo Quyết định 1727/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5-9%/năm, đạt GRDP bình quân đầu người 170 triệu đồng/người, nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 35-36% GRDP. Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ chiếm 43,2%, công nghiệp - xây dựng đạt 27,3% và nông - lâm - thủy sản đạt 29,5% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tham dự hội nghị. |
Trong đó, tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng. Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo, hướng tới tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Lâm Đồng: Sẽ có thành phố hoa phượng vàng
Lâm Đồng cần 8.600 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư 2 dự án cao tốc
Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu quả quản trị công và cải cách thủ tục hành chính.
Trong phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, quy hoạch đề ra các tiểu vùng gồm: tiểu vùng I là Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà); tiểu vùng II gồm Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh); tiểu vùng III gồm Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu).
Mục tiêu phát triển Lâm Đồng đến 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Đà Lạt là trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. |
Theo ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch tỉnh, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.
Cũng trong sáng 23-6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự lễ công bố chuyển cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế Liên Khương tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Đây là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên, là động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Lâm Đồng mà cả vùng.