Du lịch

Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 

 

Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng, hình thành đội ngũ nhân sự phụ trách phát triển thương hiệu đối với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị liên quan; phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch và vùng du lịch nổi bật để định vị điểm đến du lịch Việt Nam theo hướng tập trung, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh.

Đồng thời, xác định và quảng bá các điểm đến và hình ảnh tiêu biểu giúp nhận diện du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm; tăng cường liên kết, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm du lịch gắn với định hướng chung về phát triển thương hiệu du lịch.

Chiến lược nêu rõ, tuyên bố về thương hiệu: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận. Việt Nam là điểm đến du lịch giàu bản sắc văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, hiếu khách, mang lại trải nghiệm đặc sắc cho du khách.

Giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam gồm: Thời gian, sự cam kết, sự mãnh liệt; sự huyền bí. Các giá trị của thương hiệu du lịch Việt Nam được truyền tải qua 4 dòng sản phẩm: Du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố.

Bên cạnh đó, phát triển thương hiệu du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; vùng Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt các mục tiêu trên, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp sau: xúc tiến quảng bá, truyền thông thương hiệu có hiệu quả và trọng tâm, phù hợp với các định hướng phát triển thị trường, phát triển sản phẩm và nhu cầu của các phân khúc thị trường mục tiêu; nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm du lịch với các sản phẩm du lịch chủ đạo đặc thù ở các vùng, các địa phương gắn với các giá trị cốt lõi và thuộc tính của thương hiệu du lịch Việt Nam; lựa chọn, hỗ trợ một số địa phương xây dựng thương hiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù và mang tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, nhóm giải pháp thực hiện đồng bộ, dài hạn như: tuyên truyền và nâng cao nhận thức; cơ chế, chính sách và đầu tư; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch; tăng cường năng lực quản lý; tăng cường liên kết và phối hợp liên vùng, liên ngành và hợp tác quốc tế.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm