Kinh tế

Giá cả thị trường

Phiên chợ nông sản an toàn: Đưa sản phẩm gần với thị trường tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một số địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tổ chức phiên chợ nông sản an toàn nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có cơ hội quảng bá, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tích lũy kinh nghiệm xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thời gian qua, các huyện Chư Păh, Đức Cơ và thị xã An Khê đã tổ chức thành công phiên chợ nông sản an toàn. Đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông-lâm-thủy sản quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng và kết nối giao thương nhằm mở rộng thị trường. Ông Phan Hữu Dương-Chủ cơ sở kinh doanh cà phê Xuân Dương (tổ dân phố 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho biết: “Chúng tôi mang đến phiên chợ 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là cà phê hạt rang và cà phê bột. Do cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ, liên kết trong kinh doanh còn hạn chế nên thông qua phiên chợ để chúng tôi tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường”.

 Các sản phẩm nông sản an toàn huyện Đak Đoa trưng bày tại phiên chợ nông sản huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Các sản phẩm nông sản an toàn huyện Đak Đoa trưng bày tại phiên chợ nông sản huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam


Tương tự, bà Nguyễn Thị Cảm-chủ hộ kinh doanh cà phê Quốc Huy (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho hay: “Sản phẩm Coffee Phát Huy khi đưa đến phiên chợ nông sản an toàn do huyện Đức Cơ tổ chức đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Những phiên chợ như thế này là cơ hội rất tốt để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ”. Trong khi đó, đến với phiên chợ nông sản an toàn, chị Rơ Lan HNga (làng Sung Le Kép, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) nhận xét: “Mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều phiên chợ như thế này để người dân có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm chất lượng”.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản an toàn, đặc trưng của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh đưa đến phiên chợ với mong muốn được quảng bá, giao lưu học học kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Chị HUyên Niê-Tổ trưởng Tổ liên kết làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết: Hiện nay, người dân trong làng đang duy trì nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng và làm rượu cần để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua gian hàng của xã Ia Mơ Nông, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến du khách về những sản phẩm của tổ. Đồng thời, chúng tôi mong muốn các cấp, chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Các sảm phẩm OCOP được trưng bài tại phiên chợ nông sản an toàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn do các địa phương tổ chức. Ảnh: Lê Nam


Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho hay: Phiên chợ đã thu hút hơn 3.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm. Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức nhưng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Qua phiên chợ, một số chủ thể có thêm đơn đặt hàng như: cà phê hạt, cà phê bột Xuân Dương; nấm đông trùng Trung Phúc; nấm linh chi của các hộ dân tại xã Ia Kreng; sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái cơm vàng hạt lép của xã Ia Ka...

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê: Phiên chợ nông sản an toàn của thị xã được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua đã thu hút hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ước tính giá trị sản phẩm bán ra tại phiên chợ gần 350 triệu đồng. Phiên chợ không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn tạo động lực cho các chương trình, dự án mới như: dự án măng tây, dự án ốc bươu đen, dự án bưởi da xanh... “Hiện nay, khâu liên kết và tiêu thụ nông sản của người dân còn hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và phiên chợ nông sản có ý nghĩa rất quan trọng để mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Qua đây, chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu của địa phương để vận động các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP”-ông Hạnh thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Thời gian đến, huyện sẽ cố gắng mỗi quý tổ chức một phiên chợ để người dân và các HTX tiếp tục trao đổi, gắn kết các sản phẩm của địa phương với các huyện bạn. Đồng thời, đưa các sản phẩm thế mạnh của địa phương giới thiệu ra ngoài tỉnh, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân”. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Phạm Minh Phụng thì thông tin: “Dự kiến mỗi năm huyện sẽ tổ chức 2 phiên chợ nông sản an toàn. Ngoài ra, huyện sẽ hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, xây dựng chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm”.

 

LÊ NAM
 

 

Có thể bạn quan tâm