Không quân Philippines và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tham gia hoạt động hợp tác hàng hải ở biển Đông tháng 11/2023. Ảnh: Reuters |
Trước đó vào ngày 7/4, lực lượng phòng vệ của Philippines, Nhật Bản, Úc và Mỹ đã tiến hành "hoạt động hàng hải chung" với sự tham gia của 5 tàu chiến ở Biển Đông.
Ông Marcos hy vọng hoạt động hàng hải chung vừa kết thúc sẽ làm giảm các sự cố trên biển với Trung Quốc.
Cùng ngày, quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố các lực lượng của họ cũng tiến hành "các cuộc tuần tra tác chiến phối hợp trên không và trên biển" ở Biển Đông.
Cuối tuần này, lãnh đạo Nhật, Mỹ và Philippines sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Washington nhằm thảo luận các sự cố gần đây trên Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ yêu sách của các nước khác, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi dưới thời ông Marcos, khi ông tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington và cứng rắn trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23/3.
Gần nhất vào ngày 6/4, Philippines và Trung Quốc một lần nữa đổ lỗi cho nhau về sự cố trên Biển Đông. Manila tố hai tàu hải cảnh Trung Quốc "quấy rối" tàu cá Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Bắc Kinh nói họ đã phản ứng thích đáng trước hoạt động bất hợp pháp của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết nước này muốn giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc một cách hòa bình, nhưng Bắc Kinh "hãy dừng quấy rối chúng tôi". Mỹ thì lên án việc Trung Quốc liên tục cản trở các tàu Philippines thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển và làm gián đoạn hoạt động tiếp tế cho quân nhân ở bãi Cỏ Mây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh Philippines nếu Manila bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.