Trở về từ Thái Lan sau một tuần tham dự đại hội lần thứ 8 của Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu, PGS-TS Trần Xuân Bách, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, chia sẻ những thông tin mới đầy thú vị trong hoạt động khoa học của mình.
PGS-TS Trần Xuân Bách (hàng thứ nhất ngoài cùng, bên trái) và các thành viên trong Ban lãnh đạo GYA |
PGS Bách vừa trở thành thành viên thứ 2 của VN tại Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu (GYA), sau tiến sĩ Trần Quang Huy (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, được bầu vào GYA năm 2017).
Điều đặc biệt cho VN năm nay là sau 4 vòng bầu cử căng thẳng để bầu ra Ban lãnh đạo GYA nhiệm kỳ 2018 - 2019, mặc dù vừa tham gia là thành viên mới, PGS-TS Trần Xuân Bách đã giành được số phiếu cao nhất trong số các đại diện từ các nước đang phát triển và trở thành một trong 9 thành viên trúng cử. Đây là lần đầu tiên VN có đại diện được bầu làm Ủy viên Hội đồng Điều hành của tổ chức khoa học quy mô toàn cầu này.
Sau gần 10 năm hình thành, đến nay GYA đã có gần 400 thành viên là các nhà khoa học trẻ xuất sắc được bầu chọn từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng hàng nghìn nhà khoa học thành viên của các viện hàn lâm trẻ quốc gia từ 48 nước. GYA hướng đến mục tiêu trở thành tiếng nói của các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới. Đây là tổ chức kết nối các nhà nghiên cứu trẻ, tài năng và trao quyền cho họ dẫn dắt các cuộc đối thoại quốc tế, liên ngành đối với các chính sách phát triển bền vững trên toàn cầu.
Chủ đề của đại hội GYA năm nay là “Trẻ mãi? Sống lâu và khỏe mạnh nhờ khoa học và công nghệ”. Trong suốt một tuần, các nhà khoa học trẻ đã có những hoạt động chia sẻ, trao đổi xung quanh những vấn đề thế giới đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho sức khỏe và phát triển con người.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, PGS Bách cho biết: “Các thành viên của GYA đều ở giai đoạn trưởng thành nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của họ, rất nhiều người đã là GS, PGS ở những trường ĐH hàng đầu thế giới, và đều đã có các giai đoạn phát triển đột phá trong học thuật. Cùng với sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, tôn giáo, điều kiện kinh tế, với đầy đủ tất cả các lĩnh vực khoa học, các chương trình hành động và mô hình phát triển của GYA có sức lan tỏa rộng khắp các châu lục”.
Được biết, PGS Bách được phân công điều hành các chương trình lãnh đạo khoa học xuất sắc và phát triển năng lực học thuật.
Anh chia sẻ mong muốn nhanh chóng tạo ra được các mạng lưới cộng tác nghiên cứu, tranh thủ nguồn lực dồi dào nhằm mở rộng các chương trình cố vấn khoa học và trao đổi học giả. Đồng thời tạo động lực và hệ sinh thái cho việc chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
“Có rất nhiều hình thái của phát triển học thuật khác nhau. Mỗi quốc gia, viện nghiên cứu, trường ĐH, nhóm nghiên cứu hay cá nhân mỗi nhà khoa học đều có những lựa chọn của riêng mình mà tại từng chặng đường có những ưu tiên, tốc độ, sự đầu tư, và giá trị kỳ vọng khác nhau. Có thể ví nó như những "nhịp sóng". Mục tiêu của chúng ta là hòa quyện những nhịp sóng này để tạo ra sự cộng hưởng”, PGS Trần Xuân Bách nói về vai trò mới của mình khi trở thành thành viên Ban lãnh đạo GYA.
Hiện nay, PGS-TS Trần Xuân Bách đang là Phó trưởng bộ môn kinh tế y tế, Trường ĐH Y Hà Nội đồng thời là PGS kiêm nhiệm tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ).
Mỹ Quyên (thanhnien)