Kinh tế

Giá cả thị trường

Phó Thủ tướng: Làm thuỷ điện tuyệt đối không được phá huỷ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi tính toán xây dựng các công trình thuỷ điện, tuyệt đối không phá huỷ môi trường, không tạo ra lũ lụt, sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến người dân.

Tổng công suất nguồn điện đạt khoảng 29.638 MW

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 12.1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong thời gian vừa qua khi thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, và đời sống của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.

Đến nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW); Điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh đạt 100,12% kế hoạch và tăng 3,42% so với năm 2019

Về đầu tư các dự án điện, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. “EVN là nhà đầu tư các dự án điện, trước hết là đầu tư hệ thống truyền tải điện với tư cách được nhà nước giao cho quản lý hệ thống truyền tải.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước đang giữ vai trò độc quyền về truyền tải, nhưng phải hiểu rõ độc quyền ở đây là độc quyền về quản lý, còn đầu tư, chúng ta đã và đang khai thác các nguồn lực xã hội", Phó Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định, nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. Vừa rồi có những đường điện do tư nhân làm rất nhanh.

Còn EVN cũng đang đầu tư các nhà máy nguồn điện lớn khi thời gian tới sẽ khởi công nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, cấp giấy phép đầu tư thực hiện nhà máy Quảng Trạch 2. "Đây đều là những dự án tỉ đô, vô cùng lớn và rất quan trọng của ngành điện".

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: C.N
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: C.N


Quý từng giọt nước để làm thuỷ điện

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành điện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến hệ thống pháp luật, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện còn nhiều bất cập.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước ngày càng cạn kiệt (than, thuỷ điện, khí tự nhiên…) trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn. Thuỷ điện có khoảng 28.000MW tiềm năng, nhưng chúng ta đã khai thác được 20.000 MW rồi.

"Đây là nguồn tài nguyên rất quý giá, các nước trên thế giới người ta quý từng giọt nước để làm thuỷ điện. Chúng ta phải tính toán làm sao đảm bảo phát triển thuỷ điện, nhưng tuyệt đối không phá huỷ môi trường, không tạo ra lũ lụt, sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến người dân

Bên cạnh đó, còn nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ, từ đó ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng. Việc phân bổ nguồn điện và phụ tải còn lệch pha giữa các vùng, miền, cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới", ông nói.

Yêu cầu hoàn thành Quy hoạch điện VIII

Phó Thủ tướng trong năm 2021, EVN tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII;

Vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước;

Đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt; Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện;

Thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động ngành điện, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động ngành điện, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của nhà nước.

https://laodong.vn/kinh-te/pho-thu-tuong-lam-thuy-dien-tuyet-doi-khong-duoc-pha-huy-moi-truong-870117.ldo
 

Theo Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm