Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai cần rõ ràng, tránh hiểu theo nhiều cách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sáng 16/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng.

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, theo quy định tại Luật Quy hoạch.

Quy hoạch được triển khai nhằm giải quyết mục tiêu bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

So với trước đây, Quy hoạch có một số điểm mới nổi bật. Theo đó, nội dung Quy hoạch đã tính toán, cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; dự báo dài hạn tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội tại; kế thừa các cơ sở khoa học, kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong nước, quốc tế liên quan đến các vấn đề lớn, phức tạp tại từng vùng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp lớn, giải quyết triệt để hơn so với trước đây như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước…

Tại cuộc họp, các đại biểu cùng thành viên phản biện đã nêu nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung Quy hoạch. Theo đó, về tầm nhìn, Quy hoạch đã nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050).

Quy hoạch đã kế thừa các quy hoạch thủy lợi, phòng, chống thiên tai các vùng, lưu vực sông, hệ thống thủy lợi… và hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; đảm bảo các mục tiêu, nội dung nghiên cứu, tính toán và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai với việc thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá, tính toán phân tích…, ứng dụng nhiều công cụ, kỹ thuật tính toán tiên tiến, hiện đại, đảm bảo độ tin cậy trong các kết quả nghiên cứu, tính toán.

Cùng với đó, xác định yêu cầu phục vụ theo hướng xây dựng các kịch bản phát triển cho các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2050, bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành như: Xu thế biến đổi khí hậu, biến động nguồn nước, nguy cơ thiên tai cực đoan, yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội…

Tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch khoảng 471 nghìn tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203 nghìn tỷ đồng cho ba chương trình (cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn). Kinh phí dự kiến được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung dự thảo Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu đặt ra về nhiệm vụ quy hoạch và nhiều vấn đề khác.

Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ, chọn lọc các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để bổ sung vào Quy hoạch theo nguyên tắc có tính dự báo, tính định hướng, có thứ tự ưu tiên… Các nội dung đưa vào Quy hoạch cần rõ ràng, tránh trường hợp có thể hiểu theo nhiều cách.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố bất ổn, khó lường đang diễn ra hiện nay như biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, một số bất lợi từ bên ngoài, cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, hợp lý, Phó Thủ tướng nhận định, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn cần được thông qua. Không thể có một bản Quy hoạch đáp ứng được tất cả mọi việc, nhưng cần có Quy hoạch này để làm cơ sở pháp lý triển khai một số bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị soạn thảo và Thường trực Hội đồng lắng nghe, tiếp thu ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa Quy hoạch. Cơ quan thường trực Hội đồng hoàn thiện Biên bản cuộc họp, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm