Đô thị

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu ngăn chặn, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 388/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Thông báo kết luận nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể trong việc triển khai các nhiệm vụ của Năm An toàn giao thông 2023, tình hình TTATGT tiếp tục được bảo đảm, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn chưa được giải quyết, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong Nhân dân; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh.

Để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm TTATGT, ngăn chặn, giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku (Gia Lai) ra quân bảo vệ TTATGT. Ảnh: Hạ Vy

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku (Gia Lai) ra quân bảo vệ TTATGT. Ảnh: Hạ Vy

Cải tạo ngay các điểm đen, đường tránh nạn, hộ lan, biển cảnh báo, chỉ dẫn

Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ để trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan (nhất là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính) nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong bảo đảm TTATGT.

Tiếp tục xử lý các "điểm đen" về TNGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm; trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các điểm đen, đường tránh nạn, hộ lan, biển cảnh báo, chỉ dẫn tại các vị trí xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, kể cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện giao thông, nhất là phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải. Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và TTATGT để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Thường xuyên tuần tra, xử lý vi phạm

Bộ Công an duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và chuyên đề về kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị (nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông) nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 3-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thu thập dữ liệu và xử lý vi phạm (phạt nguội) thay cho phương thức xử lý trực tiếp; đơn giản hóa quy trình, thủ tục xử lý và nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về TTATGT đối với người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công an cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền (trực tiếp và gián tiếp) pháp luật về TTATGT; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với vi phạm pháp luật TTATGT của người dân, đặc biệt là vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức… (nếu có).

Phải có giải pháp chống ùn tắc ngay từ khi tổ chức quy hoạch giao thông vận tải

Giao các Bộ: Công an, Giao thông-Vận tải, Tài chính, Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi nghiên cứu chủ trương đầu tư các công trình, dự án có khả năng làm phát sinh sự gia tăng về nhu cầu giao thông lớn trên địa bàn thì phải có giải pháp về ATGT, chống ùn tắc giao thông ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông- vận tải, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.

Có thể bạn quan tâm