Thực tế không có "tuyến đê" nào có thể an toàn tuyệt đối, vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Chiều 24/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.
Khẩn trương phát hiện sớm và khoanh vùng dập ngay khi xuất hiện các ổ dịch
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác phòng chống dịch thời gian qua đã có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, nước ta có "tuyến đê" trên bộ dài tới 4.000 km. Thời gian qua, Việt Nam đón các chuyên gia sang làm việc; đưa công dân từ vùng có dịch về nước, trong đó có một số địa bàn có người mắc bệnh trên các chuyến bay khá nhiều.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đón một số lao động ở châu Phi về, theo báo cáo ban đầu đã hơn 100 người mắc bệnh.
Thực tế không có "tuyến đê" nào có thể an toàn tuyệt đối. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước.
Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các điểm có nguy cơ "rò rỉ," phải lập tức xử lý, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Phó Thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nắm được thông tin về trường hợp nghi nhiễm tại Đà Nẵng vào tối 23/7; đồng thời ghi nhận tinh thần sẵn sàng, ứng phó kịp thời của ngành y tế cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc coi trường hợp này như ca đã mắc bệnh để tiến hành tìm kiếm những người tiếp xúc gần để xét nghiệm và có biện pháp cách ly kịp thời.
Trường hợp này cần đợi kết quả cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu của Việt Nam là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
"Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm dù âm tính hay dương tính, chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như các ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. Nếu so với 4 tháng trước đây, thì tình hình đã khác nhiều. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương; những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần coi đây là tín hiệu để đề cao tinh thần sẵn sàng của ngành y tế và hệ thống phòng, chống dịch; đồng thời yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là ngành Y tế, Quân đội, Công an cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
"Nếu chúng ta sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay thì cho dù tới đây không tránh khỏi có thể có các ca nhiễm trong cộng đồng, các ca nhiễm ở nhiều nơi nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng
Liên quan đến thông tin về một trường hợp nghi mắc COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định Bộ Y tế xác định đây là trường hợp có khả năng nhiễm rất cao và đã triển khai ngay tất cả các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch.
Theo đó, Bộ đã yêu cầu và thành phố Đà Nẵng cũng đã tiến hành lập danh sách những người tiếp xúc gần với trường hợp trên.
Trong đêm 23/7, Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp này bằng phương pháp RT-PCR và tìm kháng thể, kết quả cho thấy tất cả những trường hợp này đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị, theo dõi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Hiện tất cả những trường hợp này đều được cách ly để bảo đảm an toàn cho cộng đồng; những nơi trường hợp nghi nhiễm đi qua đều đã được khoanh vùng, cách ly.
Chiều nay (24/7), Bộ Y tế đã cử đoàn công tác hỗ trợ Đà Nẵng trong việc điều tra dịch tễm khoanh vùng, dập dịch.
Về công tác điều trị, các chuyên gia đầu ngành y cũng đã tiến hành hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất, bởi bệnh nhân đang mắc viêm phổi cấp tính có dấu hiệu nặng, diễn biến nhanh. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết một biện pháp lần đầu tiên đã được áp dụng là rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng xét nghiệm kháng thể với kít thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm.
Sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức về ca nghi mắc COVID-19 tại Đà Nẵng
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến 8 giờ 30 phút sáng 24/7, Viện đã nhận được mẫu bệnh phẩm từ Đà Nẵng gửi ra để xét nghiệm khẳng định đối với trường hợp nghi nhiễm.
Đến 12 giờ trưa 24/7 đã có kết quả bước đầu. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có mắc COVID-19 không? Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ thực hiện xét nghiệm trong đêm nay và dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức.
Cũng tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cho rằng thời gian qua việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang có sự lơi lỏng. Vì vậy, thời gian tới, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông, ở nơi công cộng, nơi đông người...
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tiếp tục xiết chặt các cửa khẩu, đường biên, lối mở; điều tra xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép...
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần tiếp tục thực hiện với sự cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó để tránh tình trạng diễn biến xấu có thể xảy ra như bài học nhiều nước trên thế giới.
Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)