Giáo dục

Tin tức

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt các giáo viên tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao ý nghĩa của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tri ân các thầy cô giáo, trong đó có thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đang công tác ở các vùng khó khăn.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà cho các thầy cô trong buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà cho các thầy cô trong buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)



Ngày 15/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt Đoàn đại biểu các giáo viên tiêu biểu tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022.

Gửi lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm thân thiết nhất khi gặp mặt 68 gương giáo viên tiêu biểu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022," Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã cổ vũ, động viên, tri ân các thầy giáo, cô giáo, trong đó có thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số đang công tác ở các vùng khó khăn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng thời, chương trình góp phần khơi dậy tấm lòng, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên trong việc mang kiến thức tới đông đảo con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, các học sinh và sự day dứt của Phó Thủ tướng khi đến thăm nhiều điểm trường, lớp học còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả.

"Sự học quyết định tương lai của từng người và đất nước. Ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi đi cả ngày mới đến trường, nếu không quyết tâm cho các cháu đi học thì làm sao vượt qua số phận," Phó Thủ tướng nêu, đồng thời nhấn mạnh "càng những nơi khó khăn, càng phải đầu tư cho giáo dục."

Nêu rõ truyền thống hiếu học của dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm to lớn cho giáo dục. Giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng thứ dưới 50, trong khi thế giới có 58 nước/vùng lãnh thổ có thu nhập bình quân đầu người cao, 48 nước/vùng lãnh thổ thu nhập trung bình cao, còn lại là những nước/vùng lãnh thổ thu nhập trung, trung bình thấp, trong đó Việt Nam đứng ngoài 120.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)



"Ngoài sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chúng ta cũng không quên ghi ơn từ đáy lòng đối với những đóng góp của hàng chục triệu thầy, cô giáo, trực tiếp là hơn một triệu cán bộ, giáo viên đang giảng dạy, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục," Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành Giáo dục cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để cải thiện thứ hạng trên thế giới của giáo dục đại học (hiện đứng khoảng thứ 70), giáo dục nghề nghiệp (khoảng thứ 90).

"Một đất nước có nền giáo dục phát triển, các nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai, đầu tư nhiều hơn," Phó Thủ tướng nêu.

Bên cạnh những tiến bộ, đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Giáo dục còn rất nhiều điều phải thay đổi để đáp ứng sự quan tâm, kỳ vọng của người dân, xã hội; trong đó, phải rà soát lại những tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, trên cơ sở những góp ý từ thực tiễn của các thầy, cô giáo.

Bên cạnh đó, tăng cường "dạy người" không chỉ qua môn Lịch sử, Giáo dục công dân, sự gương mẫu của các thầy, cô, phối hợp với gia đình, hoạt động ngoại khóa… ngay ở những việc tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ như giảng giải, làm bài giảng mẫu thường xuyên cho các học sinh về "Năm điều Bác Hồ dạy."

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ cho thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, Hội tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương phải dành nhiều thời gian chỉ đạo, nguồn lực và có những chính sách thiết thực cho giáo dục, để các thầy, cô giáo bớt một phần vất vả.

Phó Thủ tướng mong muốn các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phấn đấu rèn luyện, trao dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề dạy học, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh "trồng người" Đảng và nhân dân giao phó.

Các học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đạt nhiều kết quả trong học tập, tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thầy cô trong buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thầy cô trong buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)



Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian gặp mặt Đoàn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết, năm 2020, cũng chính buổi gặp mặt thầy, cô giáo tham gia chương trình này, chương trình "Điều ước cho em" kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cho các thầy, cô và các em có một điều kiện sinh hoạt, dạy và học tốt hơn, thể hiện tấm lòng, tình cảm dành cho các thầy, cô và học sinh.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức từ năm 2015.

Đến nay, Chương trình đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên bám bản, công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, giáo viên mang quân hàm xanh, giáo viên dạy học sinh khuyết tật, người dân tộc thiểu số, giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19…

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 đã họp và lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Chương trình được tổ chức từ ngày 14/11-16/11/2022 tại Hà Nội.

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm