Kinh tế

Nông nghiệp

Phòng-chống bệnh viêm da nổi cục: Còn khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò tiếp tục lây lan nhanh tại 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới bởi công tác phòng-chống gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tính đến 15 giờ ngày 18-7, toàn tỉnh có 7.867 con bò bị mắc bệnh VDNC, trong đó có 319 con chết đã tiêu hủy, 1.747 con đã khỏi bệnh. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan trên diện rộng do véc tơ truyền bệnh khó kiểm soát, số trâu, bò tiêm vắc xin phòng bệnh còn hạn chế, một số hộ dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chăn nuôi bò thả rông tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chăn nuôi bò thả rông là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Nguyễn Hồng


Ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: Hiện nay, bệnh VDNC đã lây lan ra 14 xã, thị trấn. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã tự mua vắc xin về tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Ngoài ra, một số xã cũng đã chủ động xuất kinh phí mua vắc xin hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo tiêm phòng cho đàn bò. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tập quán chăn thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số khó quản lý và giám sát, trong khi véc tơ truyền bệnh đang hiện hữu, khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng-chống dịch.

Còn bà Nguyễn Thị Uyên Ny-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê thì cho hay: Huyện đã hỗ trợ kinh phí mua các loại hóa chất phục vụ phòng-chống bệnh VDNC. Tuy nhiên, đến nay, người dân mới chỉ tiêm phòng được hơn 3.600 con/22.000 con. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quan tâm đến việc phòng bệnh cho đàn bò. Cùng với đó, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho các véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt, đây là bệnh mới nên khó nhận biết, đến khi bò xuất hiện các triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, nổi cục… lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm thì mới xác định mắc bệnh VDNC.

 Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Hồng
Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Hồng


Liên quan đến công tác phòng-chống bệnh VDNC, ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-thông tin: Huyện đã chủ động xuất ngân sách 85 triệu đồng mua khoảng 2.375 liều vắc xin hỗ trợ 903 hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở các xã tiêm phòng bảo vệ đàn bò. Ngoài giải pháp tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân còn thực hiện các biện pháp chăm sóc đàn bò bằng nhiều cách khác nhau để tránh bị thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa đưa vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch nên chưa biết có chính sách hỗ trợ những hộ có bò bị bệnh VDNC chết hay không. Bên cạnh đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo làm chuồng trại nuôi tạm bợ, nhốt chung dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Mặt khác, lực lượng cán bộ thú y mỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng-chống dịch bệnh. “Hiện nay, Trung tâm đang tổ chức các lớp tập huấn về cách phòng-chống bệnh VDNC để người dân tự điều trị, tiêm phòng vắc xin và chăm sóc đàn bò của mình một cách tốt nhất”-ông Quốc nói.

Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Hiện nay, các véc tơ truyền bệnh rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phần lớn dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Một số hộ chăn nuôi có tư tưởng dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò. “Thời gian tới, cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung giám sát, cảnh báo và phòng-chống bệnh VDNC. Đồng thời, huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và xã hội hóa để tiêm phòng vắc xin VDNC bao vây ổ dịch trên đàn trâu, bò nhằm tạo miễn dịch chủ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại”-ông Thanh thông tin thêm.

 

 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm