* P.V: Tháng Hành động vì ATTP năm 2023 tập trung vào nội dung gì, thưa ông?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Hiện nay, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP được rà soát, bổ sung, đáp ứng với yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực; sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; ATTP trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật (bên cạnh rào cản ATTP đã bổ sung thêm rào cản chống dịch Covid-19) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Nhân viên y tế tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng-chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đến người dân. Ảnh: Như Nguyện |
Ngày 21-10-2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Để Chỉ thị đi vào thực tiễn, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương đã chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2023 với nội dung: “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.
* P.V: Tại Gia Lai, Tháng Hành động năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động chính nào, thưa ông?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2023, tỉnh tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và người dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Nâng cao vai trò của chính quyền, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng Hành động là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Công tác thanh kiểm tra sẽ được tăng cường trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023. Ảnh: Như Nguyện |
* P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và phòng-chống ngộ độc thực phẩm?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Thời tiết Gia Lai bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài, đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển nhanh trong thực phẩm. Bên cạnh đó, nắng nóng còn dẫn đến thiếu nước ăn uống và sinh hoạt. Để đảm bảo ATTP và chủ động phòng-chống ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng-chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đến người dân.
Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa nấu chín, không để thực phẩm ở nhiệt độ thường quá 2 giờ sau khi nấu chín, không bảo quản thức ăn chín quá lâu trong tủ lạnh; không sử dụng động-thực vật độc, lạ nghi ngờ không bảo đảm an toàn để chế biến thức ăn; không sử dụng rượu khi chưa biết nguồn gốc, xuất xứ. Người dân hạn chế sử dụng các loại cá muối ủ chua dùng làm thực phẩm.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
10 nguyên tắc vàng trong chế biến và sử dụng thực phẩm
Chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Nấu chín kỹ thức ăn, nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C. Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Nấu lại thức ăn thật kỹ, các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng đồng hồ phải được đun kỹ lại. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.