Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Gia Lai nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau một thời gian triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo tiêu chuẩn TCVN 11856:2017, chợ Phù Đổng và Thắng Lợi (TP. Pleiku) hoạt động khá hiệu quả, nhất là trong công tác quản lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hàng hóa đảm bảo, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Hiệu quả thiết thực

Triển khai theo mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP từ năm 2018, chợ Phù Đổng có quy mô chợ hạng 2 với 314 hộ kinh doanh, trong đó 149 hộ kinh doanh thực phẩm. Bà Đỗ Thị Hà (hộ kinh doanh thịt) chia sẻ: “Tôi buôn bán đã hơn 30 năm. Từ khi triển khai mô hình chợ ATTP đến nay, hoạt động mua bán ngày một đảm bảo. Khi vào chợ, các hộ kinh doanh được bố trí sạp bài bản, phân theo từng khu vực mua bán, tạo thuận lợi cho người mua. Khi kinh doanh, chúng tôi luôn tuân thủ quy định và thực hiện nghiêm việc cam kết đối với ngành chức năng cũng như Ban Quản lý chợ về việc nhập hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh ATTP. Từ đó, giúp người dân yên tâm hơn khi đi mua sắm”.

Hàng hóa được các hộ kinh doanh tại chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) nhập về có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: Vũ Thảo

Hàng hóa được các hộ kinh doanh tại chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) nhập về có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: Vũ Thảo

Còn chị Lê Thị Ánh Nguyệt (hộ kinh doanh rau xanh) thì cho hay: “Chúng tôi được hướng dẫn và ký cam kết về công tác đảm bảo vệ sinh khu vực kinh doanh, cũng như được bố trí hợp lý từng khu vực mua bán. Triển khai thực hiện mô hình chợ thí điểm, ngành chức năng đã xây dựng các quầy sạp bài bản và bố trí riêng biệt từng khu vực kinh doanh nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín”.

Ông Nguyễn Văn Linh-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng cho biết: Công tác quản lý các hộ kinh doanh được thực hiện thường xuyên, nhất là công tác phối hợp kiểm tra phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và ATTP. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền các hộ kinh doanh thực hiện tốt nội quy của chợ, chỉ kinh doanh những mặt hàng ghi trong giấy phép đăng ký, không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng chưa qua kiểm định, kiểm dịch theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Pleiku và ngành chức năng tập huấn cho các hộ kinh doanh kiến thức về vệ sinh ATTP; phối hợp với lực lượng thú y xịt thuốc diệt khuẩn; định kỳ hàng tuần báo cáo giá cả về Phòng Kinh tế, 3 tháng 1 lần báo cáo về ATTP… “Việc triển khai mô hình chợ bảo đảm ATTP là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Từ đó, thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn giữa các hộ kinh doanh tại chợ với người sản xuất; thu hút người tiêu dùng mua thực phẩm ở các quầy cố định tại chợ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các tiểu thương”-ông Linh nói.

Nhân rộng mô hình

Đến nay, 182/182 xã trong tỉnh đều đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 102 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, 12 chợ hạng 2, 70 chợ hạng 3 và 19 chợ tạm. Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, khi được chọn triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP, chợ Phù Đổng và chợ Thắng Lợi đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn chung tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017. Các ngành hàng kinh doanh thực phẩm tại 2 chợ này được sắp xếp theo đúng quy định ATTP, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Việc phân chia thành từng khu vực mua bán riêng biệt rất thuận tiện để người dân mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo

Việc phân chia thành từng khu vực mua bán riêng biệt rất thuận tiện để người dân mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo

Bên cạnh đó, các chợ đã định hình từng khu kinh doanh riêng biệt, tiểu thương được tập huấn, phổ biến về tầm quan trọng của việc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, tiểu thương đã lựa chọn và liên kết với các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa thực phẩm đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy thiết lập, hình thành các chuỗi “sản xuất-chế biến-tiêu thụ” thực phẩm sạch, an toàn, ổn định bền vững. Từ đó, tạo được uy tín và niềm tin với khách hàng, cũng như thu hút người tiêu dùng mua thực phẩm ở các quầy cố định tại chợ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các tiểu thương và có cơ hội mở rộng thị trường cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tại một số các trường tiểu học trên địa bàn.

“Trong năm 2023, Sở sẽ tiếp tục xây dựng chợ bảo đảm ATTP tại thị xã An Khê; năm 2024 xây dựng tại huyện Mang Yang; năm 2025 xây dựng tại huyện Ia Grai. Nguồn kinh phí nhân rộng mô hình từ nguồn Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu hàng năm từ 250 triệu đồng/chợ trở lên; nguồn ngân sách địa phương khoảng 200 triệu đồng/chợ (nếu có); nguồn xã hội hóa khoảng 50-100 triệu đồng/chợ (nếu có). Trong quá trình xây dựng chợ đảm bảo ATTP rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng”-bà Nguyệt cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm