Kinh tế

Giá cả thị trường

Phòng tránh rủi ro khi thực hiện hợp đồng thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện hợp đồng thương mại, phòng tránh rủi ro, phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững là việc rất cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tính đến cuối tháng 9-2022, toàn tỉnh có 8.380 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 131.970 tỷ đồng; 376 hợp tác xã với 18.063 thành viên; 2 liên hiệp hợp tác xã với 9 hợp tác xã thành viên. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động giao thương đang được tiếp tục đẩy mạnh. Bên cạnh những cơ hội thì những tiềm ẩn rủi ro đang là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng thương mại với đối tác trong và ngoài nước.

Nâng cao kỹ năng thực hiện hợp đồng thương mại là việc làm cần thiết sẽ giúp doanh nghiêp, hợp tác xã phòng tránh rủi ro trong giao kết hợp đồng mua bán. Ảnh: Vũ Thảo
Nâng cao kỹ năng thực hiện hợp đồng thương mại là việc làm cần thiết sẽ giúp doanh nghiêp, hợp tác xã phòng tránh rủi ro trong giao kết hợp đồng mua bán. Ảnh: Vũ Thảo


Bà Lê Thị Bảo Trâm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 360 (xã Trang, huyện Đak Đoa) cho hay: Hợp tác xã mới đi vào hoạt động và đang thử nghiệm trồng chanh dây trong nhà kính để hướng đến xuất khẩu trái chanh dây sang thị trường châu Âu. Trên thực tế, dù chưa đủ sản lượng để xuất khẩu nhưng hợp tác xã đã chuẩn bị nền tảng kiến thức về kinh doanh để sau này khi có sản lượng lớn thì tham gia xuất khẩu sẽ phòng ngừa được rủi ro thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác.

“Trên thực tế, với một doanh nghiệp hay hợp tác xã khi tham gia đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại, việc nhận diện rủi ro và định hướng cách giải quyết không hề đơn giản nếu mình không được trang bị đầy đủ kiến thức, không hiểu rõ về mặt pháp lý, dễ dẫn đến nguy cơ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng trong quá trình giao thương với đối tác. Vì vậy, kỹ năng thực hiện hợp đồng thương mại, phòng tránh rủi ro trong giao kết hợp đồng mua bán sẽ giúp hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững”-bà Trâm cho biết thêm.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi mua bán, do chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong quá trình ký kết hợp đồng dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu. Một trong những rủi ro mà hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp phải có thể kể đến như xung đột pháp luật về hợp đồng, lúng túng trong việc thực hiện các thỏa thuận và thời hạn thanh toán, trách nhiệm các bên... khi đàm phán hợp đồng.

Nói về nguyên nhân của sự gia tăng các tranh chấp trong thương mại, theo bà Nguyệt là do các doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo trong khâu giao kết hợp đồng với các đối tác, hạn chế trong việc tiếp cận các quy định pháp luật trong nước và quốc tế, dẫn đến có thể nhanh chóng ký kết hợp đồng và thanh toán khi chưa kiểm tra, tìm hiểu kỹ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại nên dễ xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, sự yếu thế của doanh nghiệp trong giao thương, thương mại quốc tế xảy ra phần lớn là do chưa có những trung tâm hỗ trợ pháp lý quốc tế đủ tầm để tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực hỗ trợ tư vấn giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện hợp đồng thương mại, phòng tránh rủi ro trong giao kết hợp đồng mua bán, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế là việc rất cấp bách.

Theo ông Vũ Xuân Hưng-Trưởng phòng Pháp chế và Chứng nhận xuất xứ Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những FTA có lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần quan tâm đó là lộ trình giảm thuế quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Các hiệp định khi có hiệu lực thì thông thường thuế về 0% cho nhiều mặt hàng, có những hiệp định đến 90% thuế về 0%. Bên cạnh lợi thế về hàng rào giảm thuế sẽ có những hàng rào phi thuế quan cần phải vượt qua. Ví dụ như phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ cho hàng hóa, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, đóng gói bao bì phải bài bản và đúng quy định… Ngoài ra, có những rủi ro mang tính truyền thống đó là rủi ro tiềm ẩn trong các đối tác, trong quá trình thực hiện các hợp đồng ngoại thương đã ký như rủi ro về thanh toán, lừa đảo như một số vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua.

“Trên thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp rất chủ quan khi chuẩn bị hợp đồng mang tính sơ sài, có khi dùng luôn hợp đồng mẫu của khách hàng, có khi quan tâm chưa đúng mức bộ phận pháp chế, hoặc hợp đồng thoả thuận chọn những điều khoản giải quyết tranh chấp chưa đúng, chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài, rồi chọn luật của nước ngoài… nên gặp nhiều khó khăn khi có tranh chấp xảy ra. Tại Gia Lai, hoạt động xuất khẩu chủ yếu là nông sản nên hợp đồng thương mại phải đặc biệt quan tâm về giao hàng, kiểm định chất lượng hàng hóa trước khi giao, quan tâm đến các vấn đề về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng khi phát sinh. Đặc biệt là các vấn đề về điều khoản thanh toán, các yêu cầu về hàng rào phi thuế ở các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…”-ông Hưng cho biết thêm.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm