Theo bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của người lao động, tạo nên sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Đồng thời, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua lao động sản xuất, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhận cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng đơn vị hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2022. Ảnh: Đ.Y |
Trong 5 năm (2018-2023), toàn tỉnh có 7 công nhân, viên chức, lao động được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen, Huy hiệu Lao động sáng tạo; 47 đề tài khoa học đã được các cấp công nhận; hơn 15.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được các cấp công nhận, mang lại giá trị và làm lợi trên 21 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến-nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, LĐLĐ tỉnh đề ra mục tiêu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh đóng góp 5.500 sáng kiến.
Trong đó, giai đoạn 1 (từ tháng 12-2021 đến hết tháng 5-2022) có 2.000 sáng kiến; giai đoạn 2 (từ tháng 6-2022 đến tháng 9-2023) có 3.500 sáng kiến. Tính đến ngày 15-5-2023, toàn tỉnh đã có 5.234 sáng kiến tham gia, đạt 95% chỉ tiêu. Dự kiến đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh sẽ hoàn thành 100% chương trình.
Qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân có những sáng kiến ứng dụng vào công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động. Điển hình như sáng kiến “Cải tạo hệ thống phân phối hơi gia nhiệt nước mía” và “Vệ sinh tuýp falling film bằng máy nén nước cao cấp” của anh Nguyễn Tiến Phong-Đốc công ca sản xuất, Phân xưởng đường (Nhà máy Đường An Khê).
“Hai sáng kiến của tôi đã được lãnh đạo, đồng nghiệp đánh giá cao. Từ năm 2021 đến nay, sáng kiến được áp dụng vào sản xuất đã góp phần tiết kiệm cho Nhà máy hơn 200 triệu đồng/năm. Mới đây, 2 sáng kiến của tôi được LĐLĐ tỉnh đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xét tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” năm 2023”-anh Phong chia sẻ.
Đoàn viên Lê Xuân Định-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ bên hệ thống máy xào chè, tiết kiệm chất đốt do anh cải tiến. Ảnh: Đinh Yến |
Tại Công ty cổ phần Chè Biển Hồ, khi áp dụng vào thực tế, 3 sáng kiến của anh Lê Xuân Định-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Định cho biết: “Sáng kiến “Cải tạo lại hệ thống bể héo chè diện tích 300 m2” giúp giảm nhân công lao động, tăng năng suất lao động 15-20%, sản phẩm làm ra mẫu mã đẹp hơn, chất lượng cao hơn 5% so với việc làm héo thủ công. Còn sáng kiến “Cải tạo hệ thống máy xào chè, tiết kiệm chất đốt” thì hỗ trợ làm tăng chất lượng, đảm bảo kỹ thuật xào và làm mát nâng cao chất lượng so với máy cũ trước đó lên 15-20%. Đối với sáng kiến “Cải tiến động cơ máy sấy chè tiết kiệm về điện sản xuất trên 60 kW/tấn chè bán thành phẩm” đã hỗ trợ hệ thống băng tải chuyền chè từ tổ tiếp nhận chè xanh-sấy lăn chè đến tổ phân loại giảm sức lao động. 3 sáng kiến của tôi được áp dụng vào sản xuất từ năm 2019, góp phần giảm nhân công, giảm thời gian làm việc mà năng suất lao động, chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo”.
Còn ông Phan Đình Bổng-Giám đốc Nông trường Đoàn Kết (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) thì có sáng kiến cải tiến phương pháp phun thuốc trị bệnh Botryo diplodia trên vườn cây cao su kinh doanh. Ông cho hay: Bệnh Botryo diplodia làm ảnh hưởng trầm trọng đến thân cây, sinh trưởng, sản lượng mủ. Khi bị bệnh nặng, cây không cho mủ, khô cây dẫn đến cây chết. Chính vì thế, Công ty đã triển khai phương pháp phun thuốc phòng bệnh nhưng mỗi lần phun thuốc phải cần 2 người: người đi trước phun một bên, người đi sau phun một bên còn lại.
“Thấy phương pháp phun thuốc này tốn nhân công, hao thuốc, tôi đã nghiên cứu làm vòi phun. Lúc đầu làm 1 béc lắp 4 vòi nhưng chưa phun hết được toàn thân cây, tôi làm thêm 1 vòi nữa thì phun được toàn bộ thân cây. Sáng kiến được áp dụng năm 2020. So với phương pháp phun truyền thống, sáng kiến giúp giảm 20% lượng thuốc, về nhân công giảm được 35-40% vì chỉ cần 1 người phun thuốc”-ông Bổng nói.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Lệ Nhung cho biết thêm: “Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua với phương châm hướng về cơ sở. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ nội dung các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn với các phong trào thi đua do các ngành, địa phương phát động nhằm tạo động lực để các đoàn viên, lao động có sáng kiến áp dụng vào công việc”.