Ngay những người hàng ngày hàng giờ sống ở thành phố này đã và đang tự hỏi Sài Gòn có gì lôi cuốn người tại chỗ và khách phương xa?
Tôi cũng thế, sinh ra ở Sài Gòn, loanh quanh hơn nửa cuộc đời, địa chỉ nhà vẫn ở Bàn Cờ, quận Ba. Vậy mà lắm lúc lẩn thẩn tự hỏi chốn đô hội này có gì độc đáo để thu hút mình và nhiều thế hệ xa gần quyến luyến không rời?
Sông Sài Gòn đoạn trung tâm TPHCM. Ảnh: Phục Lễ |
Yêu Sài Gòn như yêu một mỹ nhân
Yêu Sài Gòn như yêu một mỹ nhân, có thể bắt đầu “tiếng sét ái tình” từ vị trí tuyệt vời hay vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc của “nàng”. Trong đó, dòng sông Sài Gòn khỏe khoắn với những đường cong uốn lượn thanh tú, nối vùng Đồng Nai với biển cả, đã đem đến lợi thế trời cho. Không có sông Sài Gòn sẽ không có Bến Nghé, Bến Bạch Đằng là mặt tiền bao la được người Việt “dừng chân trên bến” (bài hát bất hủ Sài Gòn đẹp lắm của Y Vân) từ thế kỷ 17. Không có bán đảo Thủ Thiêm xanh tươi, hoang dã, đang thức dậy trở thành một đô thị tân kỳ. Không có cửa biển Cần Giờ để liên thông với đại dương và thế giới bên ngoài. Không có hệ thống sông rạch và kinh đào lan tỏa tới vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và nối kết với Campuchia, Thái Lan và Hạ Lào.
Bánh mì |
Mặt khác, qua nhiều cơn binh lửa, Sài Gòn không còn nữa Hoàng thành Gia Định (1790) và nhiều kiến trúc Việt Nam cổ xưa như Thăng Long - Hà Nội. Bù lại, Sài Gòn có không ít cảnh quan và kiến trúc đô thị mỹ lệ, thể hiện sự “giao duyên” văn hóa Đông - Tây từ giữa thế kỷ 19. Thăm Sài Gòn, nhớ Sài Gòn, người ta không thể quên hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ đồ sộ, có một không hai. Không thể quên, nhà thờ Đức Bà - “trái tim hồng giữa phố” và “lâu đài tòa thị chính” (trụ sở UBND thành phố). Kế đến là Nhà bưu điện, dinh Gia Long (Bảo tàng Thành phố), “bùng binh” Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Dinh Độc lập, Nhà hát Lớn. Và rồi, cột cờ Thủ Ngữ, Bến Nhà Rồng, Lăng Ông, vườn Tao Đàn và Sở Thú. Đó là những công trình từ lâu đã được “xếp hạng trong lòng dân” như là những di sản kiều diễm không thể đánh mất!
Xe xích lô Sài Gòn xưa |
Hội tụ nết ăn, nết ở tứ xứ
Nhiều người còn “đeo đuổi Sài Gòn” từ chính nết ăn, nết ở hiếm thấy ở các thành phố khác. Khoan nói ăn, hãy nói uống, Sài Gòn nguyên bản không có thói quen sáng ra nhâm nhi ly trà nóng. Cả hai mùa mưa nắng, người lớn, từ trí thức đến phu phen đều mở đầu ngày mới bằng cà phê, phổ biến là cà phê đá. Cà phê là do “Tây” mang vào “Ta”, khởi đầu ở Sài Gòn. Nhưng cà phê Sài Gòn có cái chất hòa quyện, sáng chế phong phú từ nhiều nguồn. Trước nhất là “cà phê phin”, đúng kiểu Paris mà bây giờ chính nước Pháp đã thất truyền.
Tây Đầm chỉ uống cà phê đen nóng, café au lait (cà phê sữa tươi). Dân Sài Gòn không dừng ở đó, chế biến cà phê đá, cà phê sữa đặc, cà phê pha bơ. Nhưng Sài Gòn còn nổi tiếng bởi “cà phê vợt”, “cà phê siêu”, “cà phê thuốc Bắc” xuất phát từ Chợ Lớn. Người Sài Gòn vào quán không ngần ngại gọi luôn ly “xây chừng” (cà phê đen nhỏ) hay ly “bạc xỉu” (ít cà phê nhiều sữa). Thập kỷ gần đây, Sài Gòn có thêm “cà phê máy”, “cà phê muối”, “cà phê trứng”, mới nhất có “cà phê sầu riêng” du nhập từ nhiều nơi khác.
Cà phê vợt |
Sau cà phê, phải nói đến bánh mì, kịch nghệ, sách báo, điện ảnh và ngày nay là Internet. Thức ăn thức uống và các phương tiện văn hóa từ đâu đến cũng được Sài Gòn hóa và “tái chế”. Sài Gòn không phải là nông thôn hay nhà vườn mà là thành phố của công nghiệp và dịch vụ lớn. Đây là đất tụ hội nhân tài và vật lực của trăm ngả đường, tạo nên nhiều sản phẩm cách tân và thị hiếu tiêu dùng, lan truyền ra cả nước. Sài Gòn “chơi và học” từ người Việt ba miền đến người Pháp, người Hoa, người Ấn Độ cùng người Khmer và người Chăm bản địa. Trong ẩm thực, ngôn ngữ, tôn giáo và nói chung là văn hóa, có nhiều yếu tố pha trộn và dung hợp ngọt ngào, trở thành cái chất Sài Gòn luôn tươi mới, đa dạng và không bảo thủ.
Tích hợp và bao dung
Phong vị của Sài Gòn còn là thần thái phóng khoáng của một đô thị lớn, giao thương và giao lưu tứ xứ từ rất sớm. Người Sài Gòn từ thuở di dân trên vùng đất mới, biết sống dung hòa với người bản địa và người mới đến. Biết đùm bọc và bảo vệ nhau trong những nghịch cảnh thiên nhiên và lịch sử. Biết chiến đấu chống giặc ngoại xâm, biết phản kháng với những điều bất công, đồng thời biết yêu thương và bao dung đồng bào, đồng loại. Tính cách ấy từ rất sớm đã thể hiện qua câu chuyện ông Thủ Hoằng - người tự nguyện dựng bè bày sẵn thức ăn và vật dụng cho không người qua lại ở ngã ba sông. Đó chính là một “siêu thị 0 đồng”, nói theo từ ngữ Sài Gòn đương đại, đã khai sinh ra tên gọi “Nhà Bè” tuy đơn sơ mà nặng nghĩa tình.
Sang thế kỷ 21, Sài Gòn tiếp tục là đất nhập cư lớn nhất của Việt Nam, “cục nam châm” mưu sinh và khởi nghiệp của người dân Việt. Đấy còn là nơi hợp lưu nhiều dòng tiền, dòng công nghệ và nhân tài cũng như dòng văn hóa - nghệ thuật mới mẻ. Phong vị Sài Gòn đã và đang được làm giàu hơn, đặc sắc hơn. Phong vị Sài Gòn tiếp tục tạo ra sự phong lưu, phong phú của một cuộc sống nhân văn muôn màu. Nếu không biết tận hưởng, không biết thừa kế và góp phần vun đắp thì bạn chưa phải là thị dân Sài Gòn “chính hiệu” và người yêu Sài Gòn “chính thức”!
Sài Gòn của tôi và của chúng ta đang tiếp tục bươn chải giữa nhiều thử thách chưa từng có. Cho nên rất cần trân trọng và huy động những điều hay đẹp vốn có để học hỏi và sử dụng để hóa giải những khó khăn nhiều mặt khi phải đương đầu vấn đề biến đổi khí hậu, dân số khổng lồ, giao thông tắc nghẽn, đô thị ô nhiễm, phát triển phiến diện.
Sài Gòn của tôi và của chúng ta đang tiếp tục bươn chải giữa nhiều thử thách chưa từng có. Cho nên rất cần trân trọng và huy động những điều hay đẹp vốn có để học hỏi và sử dụng để hóa giải những khó khăn nhiều mặt khi phải đương đầu vấn đề biến đổi khí hậu, dân số khổng lồ, giao thông tắc nghẽn, đô thị ô nhiễm, phát triển phiến diện.