Thời sự - Bình luận

Phóng xe máy lên lề đường, biết rằng phạm luật vẫn cứ làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ riêng Hà Nội, người dân TPHCM cũng thường xuyên phóng xe máy lên lề đường mỗi khi gặp tình trạng ùn tắc giao thông.

Phòng xe máy trên lề ở Hà Nội. Ảnh Lao Động


Ở TPHCM, các nhà quản lý ngăn cản tình trạng phóng xe máy lên lề đường bằng cách đặt những thanh sắt chặn lối đi, nhưng cũng chỉ ở một vài đường ở các khu vự trung tâm, còn đa số vẫn cứ chỗ nào luồn lách được, chỗ đó có xe máy.

Hiện nay, ở nơi nào xảy ra kẹt xe, nhiều người vẫn cứ phóng xe máy lên lề đường. Một dòng xe máy trên đường phố cuồn cuộn như dòng nước, chỗ nào thoát được thì sẽ thoát.

Còn ở Hà Nội, Chủ tịch UBND Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo xử lý nghiêm ôtô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, ngăn chặn, không để đua xe trái phép.

Trường hợp ôtô đi trên vỉa hè ít hơn, có thể xử phạt được, còn xe máy đi trên vỉa hè thì vô số, cảnh sát giao thông phạt không xuể.

Ai cũng biết, không phải tự dưng người đi xe máy leo lên lề đường, mà chỉ xảy ra khi bị ùn tắc giao thông. Trong lúc căng thẳng vì kẹt xe, cần phải đi làm đúng giờ và vì nhiều lý do khác, người tham gia giao thông phải thoát thân bằng mọi cách có thể. Và rõ ràng, phóng lên lề đường để thoát là cách hữu hiệu với từng cá nhân, tất nhiên không phải là cách tốt nhất cho cái chung.

Lúc kẹt xe trầm trọng, cảnh sát giao thông còn không đủ người để có mặt ở các điểm nóng, phân luồng, giúp các phương tiện giao thông đi lại phù hợp để hạn chế ùn tắc. Vì thế, vào lúc cao điểm, cảnh sát giao thông không có thời gian để xử phạt những trường hợp đi xe máy trên lề đường.

Còn bình thường, chẳng mấy ai đi xe máy trên lề đường.

Không ai ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là pháp luật về giao thông. Nhưng hãy cứ đặt vào tình huống bị kẹt xe nghiêm trọng, thì cũng khó mà không vi phạm khi tìm lối thoát.

Bởi vì, giữa sự chọn lựa không vi phạm luật giao thông, với việc thoát ra khỏi điểm nóng kẹt xe để giải quyết việc cá nhân quan trọng, hay đi làm việc đúng giờ, thì đa số sẽ chọn cách thứ hai, cho dù có bị cảnh sát giao thông phát hiện và xử phạt.

Cho nên, yêu cầu người dân chấp hành các quy định của pháp luật giao thông một cách tuyệt đối, cũng cần xem xét thực tế của hạ tầng cơ sở về giao thông.

Xây dựng hạ tầng giao thông tốt, tổ chức giao thông khoa học, hệ thống phương tiện giao thông hiện đại, là cơ sở cho mọi sự văn minh.

Còn với hạ tầng giao thông hiện nay, cho dù có xử phạt thật nghiêm theo chỉ đạo của Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng không xây dựng được văn minh giao thông.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phong-xe-may-len-le-duong-biet-rang-pham-luat-van-cu-lam-868787.ldo
 

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm