Bạn đọc

Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cù Chính Lan bức xúc vì cô giáo dạy Âm nhạc: Phòng Giáo dục và Đào tạo vào cuộc kiểm tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa qua, cộng đồng mạng và dư luận xôn xao về việc cô giáo dạy Âm nhạc của Trường Tiểu học Cù Chính Lan (phường Hội Thương, TP. Pleiku) bị phụ huynh “lên án” vì cho rằng cách dạy và đánh giá học sinh của cô giáo này chưa nhiệt tình, thiếu khách quan.

Ngoài đăng tải trên các trang Facebook cá nhân, ngày 21-5, đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Cù Chính Lan từ khối lớp 1 đến lớp 5 đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Viện Kiểm sát nhân dân TP. Pleiku và Ban Giám hiệu nhà trường.

Theo tập thể phụ huynh, cô giáo Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân thiếu tích cực trong việc giảng dạy, kỹ năng truyền đạt và tinh thần gợi mở kém, dẫn đến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học cũng như phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu của giáo viên. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, xếp loại kết quả học tập của học sinh, cô giáo Trân đã không khách quan, vô tư và trách nhiệm. Từ đó, kết quả đánh giá không tạo được sự đồng thuận, gây bức xúc và ức chế cho học sinh.

Ông Nguyễn Đình Thức (bìa phải)-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku trao đổi với P.V. Ảnh: T.S

Ông Nguyễn Đình Thức (bìa phải)-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku trao đổi với P.V. Ảnh: T.S

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã tìm gặp một số phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Chị Đ.T.N.L. (tổ 3, phường Hội Thương) chia sẻ: “Tôi có 2 con đang theo học lớp 2 và lớp 4 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Cuối năm học 2022-2023, cả 2 cháu chỉ được xếp loại hoàn thành môn Âm nhạc, trong khi tôi thấy khả năng của các con đều không quá tệ; các môn học còn lại đều hoàn thành tốt với điểm số 9, 10. Khi tôi tìm gặp cô Trân để trao đổi thì cô giáo này trả lời rằng “để cô xem lại”. Sau đó, qua lời con trai học lớp 4, được biết trong lớp, một số em cùng xếp loại như con tôi nhưng được cô Trân cho kiểm tra lại và xếp loại hoàn thành tốt; riêng con tôi vẫn không được kiểm tra lại và giữ nguyên kết quả. Tôi không cần thành tích cho con mình nhưng mong muốn cô giáo Trân đánh giá đúng năng lực của học sinh để các con có động lực phấn đấu”.

Cũng có 2 con gái học lớp 3 và lớp 5 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan, anh T.N.T. (tổ 1, phường Hội Phú) cho hay: “Năm học 2022-2023, tôi chuyển các cháu từ Trường Liên cấp Sao Việt về học tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Trước khi cho con học tại đây, tôi nghe nhiều phụ huynh phàn nàn về cô giáo dạy môn Âm nhạc. Do vậy, tôi đã dành thời gian kèm cặp các cháu rất kỹ về bộ môn này. Tuy nhiên, kết quả năm học chỉ đạt mức “Hoàn thành”, trong khi tất cả các môn còn lại các cháu đều đạt điểm 10. Tôi không áp lực chuyện học hành của con, cũng không quan trọng tờ giấy khen lắm, nhưng vẫn thấy thương con. Con trẻ sẽ cảm thấy tủi thân khi các bạn có giấy khen mà mình không có”.

Về vấn đề này, cô Phan Thị Hợp-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan-thông tin: Theo thống kê kết quả môn học và hoạt động giáo dục môn Âm nhạc cuối học kỳ II năm học 2022-2023, toàn trường có 336/779 học sinh hoàn thành tốt (chiếm 43,13%), 428 em hoàn thành (chiếm 54,94%) và 10 em chưa hoàn thành (chiếm 1,28%). Trong 3 năm học qua, nhà trường có nhiều em đạt kết quả chưa hoàn thành môn Âm nhạc và phải thi lại. Cụ thể, năm học 2019-2020 có 6 em, năm học 2020-2021 là 15 em và năm học 2021-2022 có 10 em.

Theo quy định, để khen thưởng các em trong một năm phấn đấu, ngoài tất cả các môn đều đạt tốt còn phải phụ thuộc vào kết quả môn Âm nhạc. “Quan điểm của nhà trường không nặng nề là giỏi môn Toán, môn Tiếng Việt thì các môn còn lại phải giỏi. Tuy nhiên, trong 9 môn học thì có 8 môn học sinh đạt tốt, chỉ có môn Âm nhạc chưa tốt, đây cũng là điều trăn trở của nhiều phụ huynh”-cô Hợp chia sẻ.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Cù Chính Lan có 9 học sinh ở tất cả các khối lớp chưa hoàn thành môn Âm nhạc. Ảnh: Thi Sang

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Cù Chính Lan có 9 học sinh ở tất cả các khối lớp chưa hoàn thành môn Âm nhạc. Ảnh: Thi Sang

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến những kiến nghị của phụ huynh học sinh, cô Trân khẳng định bản thân đã rất nhiệt tình, linh hoạt trong quá trình giảng dạy môn Âm nhạc. Đồng thời, kết quả đánh giá cuối năm học đối với từng em ở bộ môn này là hoàn toàn chính xác, khách quan theo đúng năng lực của các em, đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4-9-2020 và Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28-9-2016 (văn bản hợp nhất Thông tư số 30 và Thông tư số 22) về quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Cũng theo cô Trân, năm học 2022-2023, toàn trường có 10 học sinh ở tất cả các khối lớp chưa hoàn thành môn Âm nhạc. Trong đó, 1 học sinh lớp 1/1 sau khi gia đình đưa giấy tờ chứng minh em bị mắc chứng rối loạn giảm chú ý, nhà trường và giáo viên bộ môn đã xem xét điều chỉnh kết quả. Riêng 9 em còn lại đều không đáp ứng yêu cầu, trong quá trình học chưa có sự cố gắng vươn lên mặc dù giáo viên đã gợi mở và hướng dẫn tận tình để các em tiếp cận với những hoạt động khác nhau của môn học như: thuộc giai điệu, lời ca, gõ đệm theo phách, một số động tác vận động…

Đối với những học sinh yếu, cô cũng đã cố gắng tìm giải pháp giúp đỡ như: báo cáo định kỳ cho giáo viên chủ nhiệm; tương tác trực tiếp với phụ huynh qua Zalo hoặc gián tiếp qua lời phê trên vở bài học của học sinh; mua tặng hoặc cho các em mượn vở, đạo cụ để học tập; khuyến khích học sinh biểu diễn trước lớp để nâng cao sự tự tin. Tuy nhiên, nhiều em vẫn rất nhút nhát, thiếu chăm chỉ, tự học và tự giải quyết vấn đề chưa tốt dẫn đến kết quả học tập không cao.

“Tôi nhận thấy bản thân không hề khắt khe trong việc đánh giá học sinh. Nếu thật sự khắt khe thì mỗi lớp tối đa chỉ khoảng 5-7 em hoàn thành tốt, tỷ lệ hoàn thành và chưa hoàn thành còn cao hơn. Tôi nghĩ rằng, phụ huynh không nên chạy theo thành tích của con rồi gây áp lực cho giáo viên; cũng không thể lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Toán, Tiếng Việt hay môn học khác để đánh giá cho môn Âm nhạc”-cô Trân nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Sau khi nghe thông tin lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, Phòng đã xác minh và tổ chức cuộc họp, mời cô giáo Trân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan cùng 7 giáo viên Âm nhạc khác của 4 trường tiểu học nằm trong cụm sinh hoạt chuyên môn số 6 để nắm bắt cụ thể tình hình dạy và học môn học này.

Tại buổi làm việc, trừ Trường Tiểu học Cù Chính Lan có học sinh chưa hoàn thành, tất cả các trường còn lại trong cụm đều có kết quả đánh giá tương tự nhau với khoảng 80% học sinh hoàn thành tốt và 20% hoàn thành chương trình môn học. Phòng đã đề nghị Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cù Chính Lan và cô Trân tổ chức rà soát xem kết quả đánh giá đã thực sự chính xác chưa, nhất là đối với những học sinh chưa hoàn thành. Tuy nhiên, cô Trân không đồng ý và cho rằng bản thân đã thực hiện đúng theo quy định tại các thông tư liên quan.

Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku, Âm nhạc là môn học đánh giá định tính căn cứ trên quá trình dạy và học. Vì vậy, Phòng không thể quản lý chặt chẽ kết quả đánh giá như những môn kiểm tra theo ma trận đề. Phòng đã thành lập tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra công tác quản lý và công tác chuyên môn tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan năm học 2022-2023 trong ngày 29 và 30-5. Nội dung kiểm tra gồm nhiều mục, trong đó có việc thực hiện công tác thống kê, cập nhật số liệu trên dữ liệu SMAS (vở ghi môn Âm nhạc của học sinh). “Nếu thật sự cô Trân thiếu khách quan, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo quy định. Còn nếu cô làm đúng thì phụ huynh cũng nên chia sẻ với giáo viên”-ông Thức nói.

Có thể bạn quan tâm