(GLO)- Nhiều phụ huynh có con học ở Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) phản ánh, trong năm học 2017-2018, nhà trường đã thu nhiều khoản tiền quá cao và bất hợp lý.
Theo phản ánh của các phụ huynh có con học tại Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa, ngay đầu năm học 2017-2018, họ đã phải đóng nhiều khoản tiền cho nhà trường, tổng cộng lên đến gần 2 triệu đồng/cháu. Một phụ huynh tên T. có con học lớp Mẫu giáo 3 tuổi, cho biết: Đầu năm học này, ngoài học phí, chị còn phải đóng các khoản gồm: 200 ngàn đồng chi phí ban đầu để trường mua vật dụng, đồ dùng cho các cháu; quỹ lớp 200 ngàn đồng; tiền xã hội hóa để nhà trường thi công mái vòm là 250 ngàn đồng; tiền hỗ trợ cho các nhân viên cấp dưỡng và giáo viên trực buổi trưa là 150 ngàn đồng/cháu/tháng. “Đa phần các khoản chúng tôi đều đồng ý đóng, nhưng mức đóng cao quá, không phải ai cũng đủ tiền nộp. Ví dụ như khoản tiền xã hội hóa, nhà trường không quy định cụ thể đóng bao nhiêu nhưng nói rằng công trình làm hết hơn 90 triệu đồng nên đưa về các lớp đóng sao cho hợp lý. Như lớp con tôi, mỗi phụ huynh phải đóng 250 ngàn đồng, các lớp khác cũng phải đóng trên 200 ngàn đồng trong khi năm học trước, tiền xã hội hóa chỉ 30 ngàn đồng”-chị T. nói.
Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa hiện có 307 em học sinh đang theo học. Ảnh: V.N |
Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ cho cấp dưỡng và giáo viên trực với mức 150 ngàn đồng/tháng/cháu cũng bị phụ huynh cho là quá cao. Chị H.-một phụ huynh, chia sẻ: “Các năm trước không phải đóng khoản này. Năm nay, nhà trường nói rằng huyện không hợp đồng với các nhân viên cấp dưỡng nữa mà trường tự hợp đồng nên phụ huynh phải tự đóng. Chúng tôi cũng đồng ý nhưng phải đóng 150 ngàn đồng/tháng là quá cao. Nhà trường chỉ có 4 nhân viên cấp dưỡng, trong khi có hơn 300 cháu, nếu thu 1 tháng được hơn 46 triệu thì không biết tiêu vào những khoản gì cho hết số tiền đó”.
Ngoài ra, trong đợt họp phụ huynh cuối tháng 1 vừa qua, nhà trường còn yêu cầu mỗi phụ huynh đóng 100 ngàn đồng (50 ngàn đồng để trường mua sắm máy quay phim, 20 ngàn đồng làm sân khấu, 20 ngàn đồng mua vé tham dự hội chợ Xuân tại trường và 10 ngàn đồng để ủng hộ Hội Người mù). Chị T. thắc mắc: “Nhà trường nói mua máy quay phim để giữ lại hình ảnh các cháu làm kỷ niệm. Tôi tham khảo ở các trường khác thì khoản này trường tự mua chứ không thấy ở đâu phụ huynh phải đóng cả”.
Trao đổi với P.V, bà Đỗ Thị Phượng-Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa, giải thích: Năm học này, nhà trường đang dồn sức để đưa trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ II nên phải huy động nguồn xã hội hóa để làm một số công trình. “Năm nay, trường thu tiền xã hội hóa để làm công trình mái vòm và mua màn cho các cháu với kinh phí khoảng 98 triệu đồng, nhưng thực tế không thu được của phụ huynh bao nhiêu mà chủ yếu huy động từ các Mạnh Thường Quân, các doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn đóng góp”-bà Phượng cho biết.
Về khoản tiền 150 ngàn đồng/cháu/tháng để hỗ trợ cấp dưỡng và giáo viên trực, bà Phượng cho biết: Trường có 307 cháu, tổng số tiền thu mỗi tháng là hơn 46 triệu đồng. Số tiền này mỗi tháng được chi cho 4 nhân viên cấp dưỡng (mỗi người 3 triệu đồng); chi mỗi giáo viên đứng lớp trực buổi trưa 1 triệu đồng, chi cho nhân viên cắt tỉa cây cảnh, kế toán, thủ quỹ và nhân viên y tế có trách nhiệm thu số tiền này (mỗi người 750 ngàn đồng). Cũng theo bà Phượng, số tiền này cũng chia cho 3 cán bộ quản lý của nhà trường mỗi người 2 triệu đồng để… trực buổi trưa. Bà Phượng cũng cho hay, nhà trường đã lập một website để đăng tải hình ảnh hoạt động của các học sinh cho phụ huynh theo dõi nên muốn mua sắm máy quay phim để phục vụ cho việc này.
Với những khoản chi trả này, chị T. bức xúc: “Tôi không hiểu sao số tiền lại được chia cho nhiều người như vậy. Nhân viên kế toán, thủ quỹ đều được hưởng lương rồi mà sao không để thủ quỹ thu luôn mà lại giao nhân viên y tế thu rồi chi cho người này 750 ngàn đồng? Các cô trực tiếp trông coi học sinh thì hưởng ít, các cô quản lý vào buổi trưa không mấy khi ở lại trường thì lại được hưởng gấp đôi tiền trực. Huyện không hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng thì chúng tôi chỉ đóng tiền cho các nhân viên này thôi chứ”.
Lê Văn Ngọc