(GLO)- Trong 6 năm hoạt động, Câu lạc bộ “Phụ nữ trồng rau an toàn” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường An Phú (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã góp phần thay đổi tư duy, tạo thói quen cho phụ nữ trồng rau sạch để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Mỹ Châu-Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) cho biết: Câu lạc bộ hiện có 28 thành viên. Hàng năm, các thành viên đều được tham gia tập huấn kỹ thuật về trồng rau an toàn do Hội LHPN phường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã tổ chức. Sau tập huấn, các thành viên đều tuân thủ quy định về sử dụng phân vi sinh để trồng rau; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng bệnh cho rau và đảm bảo khoảng cách an toàn khi thu hoạch.
Bà Trần Thị Mỹ Châu chăm sóc vườn rau cải mầm của gia đình. Ảnh: Nhật Hào |
“Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh mà các thành viên chăm sóc vườn rau tốt hơn, năng suất đạt cao hơn. Đơn cử như gia đình tôi trồng gần 2 sào rau mầm, tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, rau mầm của gia đình tôi đã được thương lái từ TP. Pleiku thu mua, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 1 triệu đồng/ngày”-bà Châu cho hay.
Tham gia CLB từ năm 2018, bà Nguyễn Thị Tuyết (tổ 15) học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng rau an toàn. Gia đình bà có gần 1 sào rau xanh. Trước đây, gia đình thường trồng tự phát chứ không theo quy trình cụ thể nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, mỗi lần rau có dấu hiệu bị sâu bệnh, gia đình sử dụng các loại thuốc hóa học hoặc ai chỉ cho thuốc nào thì sử dụng thuốc đó. Từ khi tham gia CLB, bà Tuyết đã áp dụng chặt chẽ quy trình làm đất, gieo hạt. “Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu rau bị sâu bệnh, tôi mới sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ và đảm bảo khoảng cách khi thu hoạch để tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe của gia đình cũng như người tiêu dùng. Rau bán tuy giá không mấy khi cao hơn so với ngoài thị trường nhưng được thương lái mua ổn định tại vườn nên gia đình không lo lắng về đầu ra sản phẩm”-bà Tuyết cho hay.
Còn bà Huỳnh Thị Mỹ Thiện (tổ 15) thì cho hay: Gia đình bà trồng gần 2 sào rau gồm: xà lách, ngò, cải các loại. Từ khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn và được trao đổi kinh nghiệm thông qua các buổi sinh hoạt CLB, bà biết cách làm kỹ đất và phòng trừ sâu bệnh cho rau. “Đặc biệt, nhờ biết cách sử dụng phân chuồng ủ hoai, phân vi sinh và vôi rải đều lên đất, sau đó, cày ải rồi phơi nắng đất để khử khuẩn nên vườn rau của gia đình tôi ít khi bị nấm gây thối rễ. Bên cạnh đó, tôi dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh và khoảng cách thu hoạch để đảm bảo an toàn nên rau dù bán lẻ vẫn được thương lái vào tận vườn thu mua ổn định. Mỗi tháng, trừ chi phí, vườn rau cho gia đình thu 5-7 triệu đồng”-bà Thiện chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Loan-Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú-thông tin: Hàng năm, Hội đều mời cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã về tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho thành viên CLB và các hộ dân trồng rau trên địa bàn phường. Qua theo dõi, hầu hết thành viên đều biết áp dụng các quy trình trồng rau an toàn, nhiều thành viên khi phát hiện sâu bệnh phức tạp còn trực tiếp lên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc phòng ngừa, thời gian thu hoạch đảm bảo an toàn. Nhờ đó, sản phẩm rau củ của các thành viên trong CLB được thị trường ưa chuộng nên đầu ra ổn định hơn. “Toàn xã hiện có 1.700 hội viên, đa số làm nông nghiệp, trong đó, chủ yếu trồng mía và các loại rau màu. Thời gian tới, Hội LHPN phường An Phú sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho các thành viên trong CLB nói riêng và hội viên phụ nữ trên địa bàn phường nói chung”-Phó Chủ tịch Hội LHPN phường nói.
NHẬT HÀO