Xã hội

Đời sống

Phụ nữ Sơn Lang tiết kiệm để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Khi nói về khả năng quản lý tài chính, nhiều người cho rằng không quan trọng bạn làm được bao nhiêu, mà quan trọng hơn là bạn cất giữ được bao nhiêu. Đó cũng là câu chuyện về ý thức tiết kiệm để thoát nghèo của hội viên phụ nữ xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Thay đổi tư duy

Chị Đinh Thị Việt-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Sơn Lang-cho biết: Do kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên hầu hết chị em phụ nữ không có ý thức tiết kiệm để thoát nghèo, càng không nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) để phòng khi đau ốm. Nhiều chị khi gia đình có người thân ốm đau hay gặp vấn đề đột xuất trong cuộc sống phải bán bò, bán lúa hoặc phải vay nợ để giải quyết.

Để giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều mô hình phù hợp với từng chi hội.

Phụ nữ xã Sơn Lang (huyện Kbang) có nhiều hình thức tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.C

Phụ nữ xã Sơn Lang (huyện Kbang) có nhiều hình thức tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.C

Đầu năm 2023, Hội LHPN xã đã ra mắt thí điểm mô hình “Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi heo đất mua BHYT” tại làng Hà Lâm-làng xa nhất xã với tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số gần 100%. Mô hình có 25 thành viên, mỗi người được Hội tặng heo đất, khuyến khích mỗi tháng tiết kiệm 200-300 ngàn đồng tùy điều kiện, hoàn cảnh.

Sau 1 năm, các thành viên đập heo dưới sự chứng kiến của già làng, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận. Kết quả đập 25 con heo đất được tổng số tiền 5.665.000 đồng. Với số tiền này, 100% thành viên tham gia mô hình đã mua BHYT cho bản thân và gia đình. Số tiền còn lại, các chị dùng để mua phân bón, bếp ga, nuôi con cái học hành…

Chủ tịch Hội LHPN xã phấn khởi cho hay: “Từ kết quả đó, từ đầu năm đến nay có thêm 11 chị tự nguyện tham gia mô hình. Như chị Đinh Thị Trước từ khi xin tham gia, trong 1 năm đã tiết kiệm đủ tiền để mua đủ BHYT cho cả gia đình. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở các làng dân tộc thiểu số khác”.

Còn chị Trước thì chia sẻ: Gia đình có 5 thành viên, sống dựa hoàn toàn vào nghề nông. Do kinh tế còn khó khăn nên từ trước đến nay, chị không có thời gian để chăm sóc bản thân hay có phương án phòng bị, lo xa cho gia đình nếu không may gặp sự cố.

“Năm 2023, chồng mình bị ngã gãy tay cùng nhiều thương tích khác. Vì không có BHYT nên vào bệnh viện có mấy ngày đã tốn gần 5 triệu đồng. Từ lần đó, mình thấy lo rằng nếu bản thân và mấy đứa con không may ốm đau phải nằm viện thì sẽ khó khăn nhường nào vì không ai có BHYT. Vì vậy, mình chủ động tham gia mô hình “Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi heo đất mua BHYT”-chị Trước tâm sự.

Học Bác về ý thức tiết kiệm

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Lang, vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu không chỉ giúp mua BHYT mà còn giải quyết được nhiều vấn đề khác. Đó là giúp các chị em biết cách sắp xếp cuộc sống gia đình, thay đổi nếp nghĩ cách làm, thay đổi tư duy về thực hành tiết kiệm.

Phụ nữ xã Sơn Lang tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phụ nữ xã Sơn Lang tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chị Đinh Thị Việt-Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Lang: “Hội Phụ nữ khuyến khích hội viên thực hành tiết kiệm dưới nhiều hình thức, từ gia đình đến các mô hình chung của Hội. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi nhà, mỗi người, hàng ngày, các chị tiết kiệm số tiền nhỏ khi sinh hoạt, đi chợ, bán phế liệu, nguồn thu lâm sản phụ vào các mùa trong năm. Từ những việc nhỏ đó, chị em hình thành ý thức, thói quen tiết kiệm hàng ngày đúng cách, để làm chủ cuộc sống và có những đóng góp cho phong trào phụ nữ địa phương”.

Gia đình chị Đinh Thị Huy (làng Điện Biên) có con đạt nhiều thành tích trong học tập. Trong đó, 2 con lớn của chị đã học học xong cao đẳng và có việc làm ổn định, 2 cháu nhỏ đang học THCS. Gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Chị cho biết, để nuôi 4 đứa con ăn học chính là nhờ học tập tinh thần tiết kiệm. Trước đây, đa số các gia đình khó khăn sẽ cho con cái nghỉ học để có thêm công lao động. Nhưng nhờ tham gia các mô hình hũ gạo tình thương, nuôi heo tiết kiệm nên chị cố gắng tiết kiệm một khoản chi tiêu nhất định để dành tiền đầu tư cho các con học tập.

Hiện nay, Hội LHPN xã Sơn Lang còn thành lập mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng tại 5 chi hội phụ nữ, thu hút 164 thành viên tham gia. Các tổ đã tiết kiệm tổng số tiền 344 triệu đồng, cho 22 thành viên khó khăn vay đầu tư sản xuất, nuôi con ăn học…

“Bác Hồ là tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm để phụ nữ Sơn Lang học tập và làm theo. Nhưng với phụ nữ ở xã vùng sâu, vùng xa như Sơn Lang, học Bác về ý thức tiết kiệm như thế nào cho phù hợp, “vừa sức” với đa số chị em, vừa có sức lan tỏa là những trăn trở của cán bộ Hội. Sau khi những mô hình thí điểm thành công, các chị đã mạnh dạn nhân rộng, giúp thêm nhiều chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong thực hành tiết kiệm, xây dựng cuộc sống gia đình”-chị Việt nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm