Từ thuở xa xưa, văn hóa nghệ thuật dân gian đã hiện diện và gắn bó sâu sắc với đời sống cư dân bản địa Tây Nguyên, gần gũi như tiếng đàn đá, đàn t’rưng nước đuổi thú rừng phá lúa trên rẫy; thân quen như âm thanh của chim hót, suối reo, tiếng rừng xạc xào mùa gió.
Nhiều hơn cả, dày đặc hơn cả là Không gian văn hóa ching chêng song hành theo mùa màng của cây lúa, cây ngô; theo suốt vòng đời, từ lúc bà mụ mới làm lễ thổi tai, cho đến khi nằm xuống nhắm mắt xuôi tay về “bến nước ông bà”.
Ở đó, không chỉ có nhịp điệu ching chêng giao lưu, mời gọi các vị thần linh, báo tin vui buồn với bè bạn, người thân; mà còn có cả điệu suang uyển chuyển xoay quanh cột nêu, câu Klei khan, Hri, Hơ amon bên lửa hồng đêm mùa mưa gió lạnh, tiếng kni, gong thủ thỉ lời yêu, câu hát airei, tăm pớt đối đáp lẫn sóng sánh rượu cần mặt ché...
Trải dài theo thời gian, những âm thanh bổng trầm, nhịp điệu chậm rãi linh thiêng hay náo nức, các vũ khúc uyển chuyển thân hình, mềm mại đôi tay ấy, được con người vun đắp, tạo nên truyền thống.
Bà H’Yam Bkrông (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các thành viên của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) về cách dệt truyền thống. Ảnh: Nguyễn Gia |
Góp phần gìn giữ và bảo tồn không gian văn hóa cổ truyền độc đáo của mỗi tộc người không chỉ là các nghệ nhân như cây cổ thụ giữa đại ngàn, mà còn cả những người bà, người mẹ, người chị Tây Nguyên.
Luật tục Êđê có hẳn một điều khoản rất dài về việc người chị gái lớn trong nhà - đại diện cho mẹ - phải có trách nhiệm gìn giữ của cải: “Từ chiếc gùi có nắp, đến cái túi, cái bát vỏ bầu, go dệt vải, que dệt hoa văn, sa kéo sợi..., người chị cả là người phải chăm nom gìn giữ. Nồi đồng để đựng nước chôn trong rừng, ché Tuk, ché ebah để ủ rượu, vòng đeo tay, áo đen áo đỏ, ching knah... Chị cả phải là người giữ gìn, trông coi và trao lại”.
Đêm đêm dưới những mái nhà sàn, rì rầm đâu đó tiếng bà hay mẹ kể câu chuyện về những lão nhà giàu keo kiệt thua trí thông minh của chàng nô lệ nghèo, hoặc truyền thuyết về các dòng sông, ngọn núi gắn với những câu chuyện tình gái trai thủy chung như nàng H’Linh với chàng Y Rít, nàng Bian và chàng Lang; hay chuyện con thỏ và chim Mlinh thông minh xử kiện, con voi kềnh càng thua con kiến bé nhỏ…
Trước ngày lễ hội của buôn/bon/ kon plei, các mẹ tụ họp đám con gái truyền dạy những vũ điệu suang khi bước đi trang trọng dâng hiến thần linh, lúc yểu điệu khoe thân hình dẻo mềm như ngọn lau, cành lá. Câu hát ru, nỗi niềm tự sự hay đối đáp, giao duyên, từ đời bà thấm sang đời mẹ, truyền qua đời con, với biết bao lề thói, điều hay lẽ phải, gửi trọn trong lời hát, câu nói vần. Vòng suang những ngày hội làng Bâhnar, J’rai hay Sê Đăng, đều do các mẹ truyền lại cho con, cháu gái.
Thuở nào đã xa, sáng sáng bên khung gỗ dưới bóng mát cây cổ thụ, bé giúp mẹ luồn những cây lát (cói) xanh, để mai sau tự mình dệt thành những chiếc chiếu dày dặn êm giấc ngủ đêm nhà sàn hay trân trọng mời khách khoanh chân ngồi bên bếp lửa. Với gùi đất sét lấy về từ chân núi, bà dạy cháu xoay vòng tròn nặn thành hình cái nồi gốm nhuộm vải, lấy bùn xoa cho đen bóng trái bầu lớn hong xôi.
Chiều chiều dưới gầm sàn hay bên khung cửa sổ, mẹ thay bà dạy cô gái bắt từng đường chỉ, cài từng mẫu hoa văn làm nên tấm mền, áo váy hay chiếc khố dài quấn chéo qua vai… Mọi vật dụng thiết yếu của cuộc sống tự cung tự cấp giữa rừng, đều từ bàn tay bà sang mẹ, đến con gái, là minh chứng cho sự khéo léo, giỏi giang của những người con gái “da nâu mắt sáng” trong mỗi dòng họ…
Đội chiêng nữ buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia |
Rồi khi gái trai thương nhau, bà và mẹ là người chuẩn bị lễ vật mang sang nhà trai, ghè rượu mở tấm lá chuối bịt miệng, tỏa hương thơm, bầy heo gà béo mập, gùi lúa vàng hạt chắc mẩy hay tấm thổ cẩm đẹp màu sắc hoa văn, thậm chí cả lá thuốc, lá trầu… đều từ bàn tay chằng chịt vết chai nhưng vẫn dịu mềm của mẹ làm ra. Những món ăn truyền thống bằng ngọn lá, đọt măng trên rừng, hay trái cà, trái ớt, đu đủ… trong rẫy làm vui miệng khách cũng từ bàn tay bà, tay mẹ làm ra. Bí quyết khiến món ăn thơm ngon, ghè rượu cần cho đàn ông ngọt đắng, cho phụ nữ ngọt chua… là từ nắm men bà truyền, mẹ dạy tỉ mỉ bày cho con gái kiếm từng chiếc lá, củ cây, giã từng hạt gạo làm nên. Con rể về ở nhà vợ, bé sinh ra mang họ mẹ để nhớ rằng mẹ mới chính là người trao cho con hình hài, dạy con những bài học làm người đầu tiên… Những điều tưởng như nho nhỏ thôi, nhưng đó là phong tục, tập quán, lối ứng xử của mỗi tộc người.
Tổ chức UNESCO ghi danh “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Trong không gian huyền ảo ấy không chỉ có nhà sàn, nhà rông, bến nước, âm thanh gong chinh mà còn có cả những thứ mà giới khoa học chia ra thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Trong số ấy, dẫu chẳng nhiều chị em được gọi là nghệ nhân, nhưng mỗi người phụ nữ Tây Nguyên đều nắm giữ và truyền lại cho đời sau nhiều không kém đàn ông - những truyền thống của văn hóa tộc người.
H’Linh Niê (baodaklak.vn)