Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện: Cánh đồng mía lớn gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xây dựng cánh đồng lớn là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình cánh đồng mía lớn tại huyện Phú Thiện đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và đặc biệt là việc giá mía nguyên liệu giảm sâu.
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động phong trào xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên phạm vi cả nước. Đến năm 2016, trải qua quá trình kiên trì vận động người dân, huyện Phú Thiện bắt đầu thực hiện cánh đồng lớn đối với 2 loại cây trồng là mía và lúa. Những diện tích đất liền thửa được ghép chung, nông dân liên kết với nhau để thực hiện cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật sản xuất. Thực tiễn triển khai cánh đồng lớn đối với cây lúa đã phát huy hiệu quả tích cực, song với cây mía lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
 Dù được đầu tư hệ thống tưới nước nhưng năng suất mía chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: C.H
Dù được đầu tư hệ thống tưới nước nhưng năng suất mía chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: C.H


Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tự thỏa thuận về diện tích, giá thuê đất. Khi cho thuê đất, người dân sẽ được Nhà máy thuê ngược lại để chăm sóc mía. Đồng thời, Nhà máy cũng sẽ tiến hành xóa các khoản nợ của người dân do đầu tư trồng mía không hiệu quả.


Ông Siu Bruin (làng Bung, xã Chư A Thai) cho hay: “Gia đình tôi có 6 sào mía trồng theo mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, do nắng hạn và sâu bệnh, niên vụ 2017-2018, gia đình chỉ thu được khoảng 3 triệu đồng từ diện tích mía này. Đến niên vụ 2018-2019, gia đình thậm chí không thu được đồng nào. Điều này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”.
Tương tự, ông Đam Rưm (cùng làng) cho biết, gia đình ông có 7 sào mía thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, thu nhập từ cây mía cứ giảm dần theo từng năm. Đến niên vụ 2018-2019 thì ông không thu được gì. “Tôi đang nợ Nhà máy Đường Ayun Pa 25 triệu đồng chi phí đầu tư. Do không còn kham nổi nữa, gia đình tôi và các hộ khác trong làng đã thống nhất cho Nhà máy Đường Ayun Pa thuê lại đất để trồng mía theo quy trình kỹ thuật của công ty”-ông Rưm nói.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia cánh đồng lớn, Nhà máy Đường Ayun Pa đã đầu tư máy móc thực hiện tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, Nhà máy còn khoan giếng, kéo điện khắp các cánh đồng để tưới nước cho cây mía. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh diễn biến phức tạp, giá mía nguyên liệu xuống thấp đã khiến cho việc triển khai cánh đồng mía lớn trên địa bàn huyện Phú Thiện bị “hụt hơi”.
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-thông tin: Xã có diện tích mía trồng theo cánh đồng lớn nhiều nhất huyện với 109 ha. Khi thực hiện cánh đồng lớn, Nhà máy Đường Ayun Pa đã đầu tư 11 giếng khoan cùng máy bơm, máy phát điện, hệ thống tưới tiết kiệm nhưng năng suất cây mía vẫn giảm đáng kể, niên vụ 2017-2018 đạt 65 tấn/ha, niên vụ 2018-2019 chỉ còn 50 tấn/ha. Năng suất giảm cộng với giá mía xuống thấp nên người dân càng làm càng lỗ. Hiện 84 hộ trên địa bàn xã đang nợ Nhà máy Đường Ayun Pa hơn 1 tỷ đồng chi phí đầu tư. Để giải quyết khó khăn, người dân đã thống nhất cho Nhà máy thuê 88 ha đất để trồng mía trong 4 năm, giá thuê 5 triệu đồng/ha.
Tại xã Ia Yeng, người dân đã phá bỏ 11,9 ha mía không hiệu quả. Đây là địa phương có diện tích mía bị phá bỏ nhiều nhất huyện Phú Thiện. Ông Nguyễn Quyết Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho hay: Địa phương nằm trong khu vực tưới của công trình thủy lợi Ayun Hạ nên khi trồng mía không hiệu quả, người dân tự phá bỏ để chuyển sang cây lúa và các loại cây khác. Trước đây, việc vận động người dân tham gia cánh đồng lớn rất khó khăn, xã cũng đặt nhiều kỳ vọng nhưng khi cây mía không mang lại hiệu quả thì bà con phải chuyển đổi cây trồng khác theo quy luật thị trường.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng diện tích mía trồng theo mô hình cánh đồng lớn ở huyện Phú Thiện là 250,25 ha, phân bố tại 6 xã. Hiện nay, người dân đã phá bỏ gần 40 ha mía không hiệu quả. Đặc biệt, diện tích mía trồng mới niên vụ này chỉ đạt 36,5 ha, tương đương 60,83% kế hoạch. Việc cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân phải phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác đang khiến Nhà máy Đường Ayun Pa có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Cánh đồng lớn trồng lúa trên địa bàn huyện được đầu tư bài bản và mang lại hiệu quả. Nhưng cánh đồng lớn trồng mía lại đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Nhà máy Đường Ayun Pa đã hỗ trợ trồng mới, áp dụng cơ giới vào nông nghiệp cũng như ưu đãi thu mua nhưng do thời tiết không thuận lợi, bệnh trắng lá mía hoành hành và giá mía nguyên liệu xuống thấp nên người dân rất e ngại khi trồng mới. Phần khác, người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng nên kết quả trồng mía trên cánh đồng lớn chưa được như kỳ vọng.
CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm