(GLO)- Cầu Máng bắc qua sông Ayun nối liền xã Ia Yeng với xã Ia Sol, Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Do cầu không có lan can bảo vệ, lại xuống cấp sau nhiều năm sử dụng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.
Anh Méo (làng Ksing A, xã Ia Piar) cho biết: Gia đình anh có hơn 3 sào lúa ở xã Ia Yeng. Mỗi lần vào ruộng lúa, anh đều phải đi qua cầu Máng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cầu không có lan can bảo vệ, mặt cầu lại hẹp nên các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều người khi đi qua cầu đã rớt xuống sông, bị thương phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Vào mùa lũ lớn, cầu bị ngập, nhân dân không đi lại được.
Cầu Máng bắc qua sông Ayun (huyện Phú Thiện) không có lan can bảo vệ. Ảnh: C.H |
Cũng có đất trồng lúa ở xã Ia Yeng, anh Rơ Anip (làng Ksing A, xã Ia Piar) cho hay: Hiện nay, cầu đã xuống cấp nhiều và không có lan can bảo vệ nên rất nhiều trường hợp người đi bộ, xe máy, xe công nông bị rớt xuống sông. Ngoài ra, còn có nhiều trâu bò khi di chuyển qua cầu Máng húc nhau rơi xuống sông bị chết. Vào ban đêm, cầu không có đèn chiếu sáng nên việc lưu thông qua càng nguy hiểm. Tại các cuộc họp làng, xã, người dân rất nhiều lần ý kiến nhưng đến nay cầu vẫn không được sửa chữa, khắc phục hư hỏng, cũng chưa được lắp đặt lan can bảo vệ. “Mong muốn của người dân ở đây là cây cầu được làm lại rộng hơn, có lan can bảo vệ chứ như thế này thì sợ lắm”-anh Rơ Anip nói.
Theo quan sát của chúng tôi, cầu Máng bắc qua sông Ayun có chiều dài gần 100 m, tải trọng cho phép là 5 tấn, chiều cao an toàn đối với người và các phương tiện qua lại là 2,8 m. Qua thời gian sử dụng, cầu đã bị xuống cấp. Mặt cầu rộng chưa đầy 3 m nhưng xuất hiện nhiều ổ gà đọng nước; cầu cũng không có lan can bảo vệ. Do đó, khi xe tải và xe máy đi ngược chiều nhau, một trong 2 phương tiện phải dừng lại để nhường đường; trường hợp 2 xe tải hay công nông đi ngược chiều thì một phương tiện phải đứng chờ ở đầu cầu bên kia.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quyết Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho biết: Cầu Máng được xây dựng cùng thời điểm với công trình thủy lợi Ayun Hạ. Theo thời gian, cầu đã xuống cấp rất nhiều nhưng lưu lượng phương tiện lưu thông qua thì ngày càng tăng. Đây lại là trục đường chính để người dân xã Ia Yeng di chuyển ra trung tâm huyện, cùng là đường đi lại sinh hoạt, sản xuất của nhân dân 3 xã Ia Yeng, Ia Sol, Ia Piar. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri có lãnh đạo huyện, tỉnh, chúng tôi đều kiến nghị Nhà nước quan tâm sớm đầu tư xây dựng cầu mới để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua lại. “Chúng tôi có nghe thông tin là cầu Máng đã được phê duyệt đầu tư và sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2020. Đây là thông tin rất vui đối với cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Cây cầu mới an toàn sẽ đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng chính đáng lâu nay của nhân dân”-ông Thắng nói.
CHÍ HÀO