Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mưa lớn và gió mạnh khiến hàng trăm héc ta lúa vụ mùa và hoa màu trên địa bàn huyện Phú Thiện bị ngã đổ. Hiện chính quyền địa phương đang hướng dẫn người dân tập trung khắc phục hậu quả.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn có hơn 429 ha lúa và hoa màu trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ. Ước thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.

Nhiều diện tích lúa của người dân chuẩn bị thu hoạch đã bị gió quật ngã. Ảnh: Lê Nam
Nhiều diện tích lúa của người dân huyện Phú Thiện chuẩn bị thu hoạch đã bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam


Ngay sau khi hết mưa, bà con nông dân tranh thủ thu hoạch những diện tích lúa đã chín và dựng lại những đám bị ngã đổ. Vụ này, gia đình bà Lê Thị Thoa (làng Ia Jut, xã Ia Sol) gieo trồng 3 ha lúa nước. Tuy nhiên, mưa bão khiến gần 1 ha lúa bị ngã đổ. Bà Thoa cho hay: “Lúa bị ngã đổ ngâm nước như thế này mà mình không dựng lên kịp thì sẽ thối hạt hoặc mọc mầm. Tôi vừa thuê hơn 20 công lao động hết hơn 3 triệu đồng để dựng lại ruộng lúa. Mọi năm, năng suất lúa vụ mùa thường đạt 7-8 tấn/ha, nhưng như năm nay chắc chỉ còn khoảng 4-5 tấn/ha”.

Trong khi đó, vợ chồng chị Rơ Mah Dun (buôn Ksing, xã Ia Piar) cũng khẩn trương dựng lại 3 sào lúa bị đổ. “Đám lúa này còn khoảng 10 ngày nữa là gặt. Thế nhưng mưa bão đã làm ngã đổ hết. Năm nay, giá lúa đầu mùa chỉ khoảng 3.500 đồng/kg, trong khi tiền đầu tư cao gấp đôi vụ trước nên người dân càng khó khăn hơn. Giờ cây lúa lại bị ngã đổ chắc chắn sẽ giảm năng suất. Với tình hình này, cầm chắc vụ mùa thua lỗ”-chị Rơ Mah Dun chia sẻ.   

Ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: “Ngày 11 và 12-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, trên địa bàn xã xảy ra mưa lớn kèm theo gió mạnh gây ngập úng cục bộ một số điểm và làm đổ ngã khoảng 150 ha lúa, ước thiệt hại gần 30%. Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, tổ dịch vụ kiểm tra kênh mương, nhanh chóng tiêu thoát nước, tránh tình trạng để lúa bị ngập úng gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín, huy động mọi nguồn lực ra ruộng để dựng lại diện tích lúa bị ngã đổ. Chúng tôi đang thống kê thiệt hại để báo cáo UBND huyện có hướng hỗ trợ người dân”.

 Ruộng lúa của gia đình chị Ksor H'Niu (thị trấn Phú Thiện) bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam
Ruộng lúa của gia đình chị Ksor H'Niu (thị trấn Phú Thiện) bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam



Tương tự, tại cánh đồng của thị trấn Phú Thiện, bà con nông dân cũng đang tất bật khôi phục lại ruộng lúa. Chị Ksor H'Niu (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) cho hay: “Vụ mùa năm trước, mưa bão khiến 4 sào lúa của gia đình bị mất trắng. Vụ này, chỉ còn 1 tuần nữa là thu hoạch nhưng mưa bão làm lúa ngã đổ hết. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ một phần thiệt hại để người dân bớt khó khăn và có giống gieo trồng cho vụ tới”.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: Trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương chủ động triển khai công tác ứng phó. Tuy nhiên, mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến nhiều diện tích lúa của người dân chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ. “Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra tình hình thiệt hại. Đồng thời, huyện cũng đã chỉ đạo Trạm thủy nông khẩn trương cắt nước để hạn chế tình trạng ngập úng. Đối với những diện tích lúa bị ngã đổ đã chín thì vận động người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo khẩn trương thu hoạch để hạn chế thiệt hại”-ông Thành thông tin thêm.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra

(GLO)- Ngày 14-9, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1318/UBND-NL về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Diện tích trồng ớt tại xã Hà Tam bị gió quật ngã. Ảnh: Nguyễn Công Thư
Diện tích trồng ớt tại xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) bị gió bão quật ngã. Ảnh: Nguyễn Công Thư


Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người thân bị thiệt mạng do bão, lũ; khẩn trương huy động các đơn vị lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên cùng với lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại về nhà ở, trường học; các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng do mưa, bão trên địa bàn; giúp người dân ổn định cuộc sống. Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhà nước và Nhân dân theo đúng quy định hiện hành. Rà soát, báo cáo tình hình thiệt hại về nhà cửa, tài sản của nhà nước và Nhân dân do ảnh hưởng của cơn bão số 5, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định (nếu có) gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT (trước ngày 17-9-2021) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) tăng cường theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trên địa bàn tỉnh; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống ứng phó hiệu quả với thiên tai. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 5 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22-9-2021.

Các sở, ban, ngành là thành viên của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với chính quyền địa phương tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

PHAN KIỀU
 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm