Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện quyết liệt ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 24-6, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) công bố bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò tại xã Ia Piar. Trước mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, UBND huyện chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

70 con bò bị nhiễm bệnh

Gia đình bà Nay H'Kiep (buôn Plei Rbai) là hộ đầu tiên ở xã Ia Piar phát hiện bò bị bệnh VDNC. Trong 8 con bò của gia đình, con bê gần 7 tháng tuổi được nhốt riêng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC. Bà H'Kiep cho biết: Ngày 19-6, con bê đột nhiên bị nổi cục trên da. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ nó bị con gì cắn, nhưng sau thấy các vết sần trên da bê xuất hiện ngày càng nhiều nên đã báo với chính quyền địa phương. Được cán bộ thú y hướng dẫn, gia đình đã nhốt riêng con bê, đàn bò còn lại cũng nuôi nhốt tại chuồng, không chăn thả như trước.

“Nhìn con bê bị bệnh, mình rầu lắm, tiêm hết 1 triệu đồng tiền thuốc mà vẫn chưa khỏi. Mấy hôm nay, bệnh có vẻ nặng hơn. Nó ăn ít, dịch chảy ra từ miệng, trông ốm hẳn đi. Mình phải nấu cháo cho ăn thêm. Riêng bò mẹ tuy chưa bị bệnh nhưng do nhốt gần, mình cũng tiêm phòng hết 600 ngàn đồng. Không có tiền, mình phải bán lúa chữa bệnh cho bò. Chỉ mong chúng mau khỏi bệnh”-bà H'Kiep nói.

Nhiều hộ chăn nuôi chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh chuồng trại để phòng trừ dịch bệnh. Ảnh: Vũ Chi
Nhiều hộ chăn nuôi chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh chuồng trại để phòng trừ dịch bệnh. Ảnh: Vũ Chi


Trong khi đó, gia đình ông Nay Ngân (buôn Plei Chrung) cũng có 1 con bò bị bệnh VDNC từ ngày 25-6. Ông bộc bạch: “Mấy ngày nay, nghe loa truyền thanh thông báo về bệnh VDNC trên đàn bò, tôi cũng lo lắm, không dám chăn thả như trước, chỉ nhốt trong chuồng cho ăn rơm khô. Để bệnh không lây ra cả đàn, ngày nào tôi cũng phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Riêng con bò bị bệnh, tôi mua thêm một số thuốc bổ cho uống để tăng cường sức đề kháng”.

Xã Ia Piar có trên 3.000 con trâu, bò. Sau khi công bố dịch tại buôn Plei Rbai, đến nay, 7/7 buôn, làng của xã đều đã có bò nhiễm bệnh. Trong đó, buôn Plei Ia Kơ Il có 31 con nhiễm bệnh, buôn Plei Rbai 22 con, Plei Chrung 1 con, Plei Gok 9 con, Plei Ksing 3 con, Plei Kmek 3 con và buôn Mơ Nai 1 con. Trước mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh VDNC, UBND xã đã thiết lập chốt, đặt biển báo tại các trục đường chính để kiểm soát số bò ra vào địa bàn. Bên cạnh đó, xã tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tại toàn bộ các hộ gia đình có vật nuôi; hướng dẫn người dân nhốt riêng vật nuôi nhiễm bệnh để theo dõi, đồng thời cấp phát thuốc khử trùng, thuốc diệt côn trùng để phun hàng ngày, tránh dịch lây lan.

Quyết liệt dập dịch

Sáng 29-6, sau khi có thông báo từ địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý kịp thời. Dự kiến kết quả sẽ có trong 1-2 ngày tới. Với những con bò nhiễm bệnh và nghi nhiễm, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân nhốt riêng, tiêu độc, khử trùng để phòng dịch bệnh lây lan.

Huyện Phú Thiện hiện có trên 23.000 con bò, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ông Kim Ngọc Lượng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh VDNC phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do không đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo song các hộ chưa chủ động diệt côn trùng-yếu tố trung gian lây truyền bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết đàn bò của huyện chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC.

Cũng theo đánh giá của ngành chức năng, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất cao bởi đây đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi, tạo điều kiện cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, chú trọng phun thuốc tiêu độc, khử trùng, thuốc diệt côn trùng, tiêm vắc xin VDNC cho trâu, bò; tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch.

“Để tránh dịch lây lan, người dân không được bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bị bệnh ra môi trường. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, dấu hiệu nhận biết, tác hại và các biện pháp phòng-chống dịch bệnh VDNC để người dân nắm được, chủ động phòng trừ”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhấn mạnh.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm