Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy lợi thế của vựa lúa Tây Nguyên, huyện Phú Thiện đang tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới làm chỗ dựa cho nông dân mở rộng sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống, tiến tới xây dựng thương hiệu “gạo Phú Thiện”.

Chìm trong khó khăn

Huyện Phú Thiện hiện có 17 hợp tác xã (HTX), gồm 13 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX thủy sản, 2 HTX vận tải. Vừa qua, có 2 HTX đã ngừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả là HTX Thủy sản Lý Hà Đông (xã Chrôh Pơnan) và HTX Nông nghiệp Plei Tăng (xã Ia Ake).

 

Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ) đưa cơ giới vào sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống. Ảnh: Đ.P
Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ) đưa cơ giới vào sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống. Ảnh: Đ.P

Qua khảo sát, các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện hầu hết hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thủy nông; chỉ có HTX Chư A Thai (xã Ia Ake) hoạt động dịch vụ thủy nông kết hợp cung ứng dịch vụ giống và vật tư nông nghiệp, thu mua lúa cho nông dân. Hoạt động của hầu hết HTX còn đơn điệu, chủ yếu là mở và cắt nước phục vụ tưới tiêu, tu sửa kênh mương và đường nội đồng. Nguồn thu nhập duy nhất của các HTX là thu thủy lợi phí của xã viên vào cuối vụ thu hoạch theo định mức thỏa thuận trên diện tích lúa canh tác của từng hộ.

Khó khăn lớn nhất là các HTX không có vốn chủ sở hữu và không vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. “Bìa đỏ trụ sở HTX thì nơi có, nơi không và không thể dùng để vay vốn ngân hàng vì đó là tài sản sở hữu của Nhà nước, ngân hàng không cho thế chấp để vay vốn; còn bìa đỏ đất của xã viên thì không ai chịu thế chấp vay vốn cho HTX”-ông Lại Trung Truyền-Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ) phân trần.

Bên cạnh đó, dù lực lượng xã viên khá đông, lên đến hàng ngàn người, tuy nhiên, ít người góp vốn. Do đó, xã viên không có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về lợi ích và trách nhiệm với HTX. Ở một số HTX, trước đây, xã viên góp tiền để HTX hợp đồng với Điện lực Ayun Pa xây dựng đường điện, nhưng lưới điện thì đã được bàn giao về cho ngành Điện quản lý từ lâu, phần vốn góp và lĩnh vực bán điện hiện tại HTX không quản lý nữa.

Nhiều HTX do trình độ quản lý kém, phương án sản xuất không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, Ban quản trị khóa trước để nợ lại cho khóa sau hàng trăm triệu đồng, dây dưa hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Điển hình như ở HTX Plei Tăng A (xã Ia Ake) trước đây đã nhờ xã viên đứng ra thế chấp tài sản cá nhân với ngân hàng để vay tiền xây dựng trụ sở làm việc và thi công đường điện. Sau đó, HTX mất khả năng thanh toán. Ban quản trị khóa trước đùn đẩy nợ cho khóa sau. Hậu quả là xã viên Ksor Bó vì cầm cố tài sản vay tiền ngân hàng cho HTX giờ ôm lấy cục nợ gần 300 triệu đồng, qua nhiều năm khiếu kiện nhưng vẫn chưa được giải quyết…

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện đánh giá, các HTX đều có quy mô nhỏ, chưa đa dạng lĩnh vực hoạt động và thiếu sự liên kết trong sản xuất kinh doanh; chưa được sự ủng hộ của đa số xã viên, nông dân, thiếu sự gắn kết với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện. Nhiều HTX không thực hiện phân chia lợi nhuận cho xã viên. Trình độ cán bộ quản lý kém, hiệu quả hoạt động HTX thấp, bình quân chỉ có 60-70% số xã viên nộp phí dịch vụ, nợ đọng của xã viên, nông dân với HTX còn cao.

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Để phát huy lợi thế đồng ruộng và thực hiện Luật HTX năm 2012, UBND huyện Phú Thiện quyết tâm xây dựng HTX kiểu mới. Trong đó, HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) là một điển hình hoạt động có hiệu quả.

Năm 2016, HTX Nông nghiệp Chư A Thai chuyển đổi xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Lúc này, HTX  có 57 thành viên với vốn điều lệ trên 250 triệu đồng, chức năng chính là xây dựng kế hoạch hàng năm đầu tư kinh phí mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công đào đắp, sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương xung yếu, sửa chữa nâng cấp trạm bơm điện K8…

Sau hơn 2 năm chuyển đổi, HTX Nông nghiệp Chư A Thai hiện có gần 800 hộ nông dân tham gia sử dụng các dịch vụ: thủy lợi, giống, vật tư nông nghiệp, phân bón. Hợp tác xã đã tiếp nhận nhiều giống lúa mới được Nhà nước trợ giá để cấp cho các thành viên và hộ nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn một giống. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các công ty sản xuất lúa giống cung ứng các loại giống có năng suất, chất lượng cao như: OM4900, LH12, BTR225, KCS 20… cho nông hộ, sau đó thu mua lại sản phẩm theo giá bảo hiểm đã ký kết. Hợp tác xã còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho các hộ thành viên và hộ dân sản xuất không tính lãi. Từ nguồn vốn đóng góp của các thành viên và nguồn vốn hỗ trợ, HTX đã mua máy gặt đập liên hợp về phục vụ sản xuất. “Từ khi chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, đơn vị nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp, các ngành; đặc biệt là một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: tạo điều kiện xây dựng cánh đồng lớn một giống, hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp. Hợp tác xã đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, giúp các thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, kích thích bà con tham gia HTX”-ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, cho hay.

Định hướng của huyện Phú Thiện là xây dựng các HTX kiểu mới có kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh dài hơi, được đa số thành viên đồng tình ủng hộ, thể hiện quyền lợi sát sườn của thành viên. Hợp tác xã phải đứng ra hợp đồng với các đơn vị cung ứng vật tư sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Đồng thời, ký kết với doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trong đó, quy trình sản xuất phải chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng để vừa sử dụng trong địa bàn huyện vừa bán ra thị trường bên ngoài. “Muốn thế, phải đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà nông-nhà quản lý-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp. Các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ hỗ trợ tối đa cho các HTX và nông dân về quản trị, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để làm ra sản phẩm đúng kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến xây dựng thành công thương hiệu gạo Phú Thiện”-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nhấn mạnh.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm