Video

Văn hóa

Phương pháp dựng nhà độc đáo của đồng bào Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách thiết kế nhà của người Việt xưa là một điều rất lý thú. Cả khung ngôi nhà gỗ được mã hóa vào cây thước tầm, cũng là thước bản vị. Thước bản vị, theo đúng kích cỡ tầm thước của người chủ nhà. Ví như bậc thềm có kích cỡ vừa với chiều dài của bàn chân gia chủ.

Thước tầm là một thanh tre, được chọn kỹ càng. Cây tre già, phát triển bình thường, được chẻ lấy một thanh. Thanh tre được vót nhẵn, lựa đoạn mắt tốt, sao cho số lóng và mắt phải là số lẻ (số dương), có số đếm trùng với “số sinh”. Thước được thiết lập dựa trên một tam giác vuông chuẩn. Nhớ thời xưa, những bác phó cả chưa có kiến thức lượng giác hiện đại, nhưng họ có công thức tính riêng từ chiều cao, độ dốc, suy ra khoảng nằm, từ đó, xác định bước cột, khoảng cách quá giang, độ dài của vì kèo...

Các ký hiệu trên thước tầm được đánh dấu theo quy tắc: khoảng đứng (chiều cao), ghi ở mặt bụng thước; khoảng nằm (chiều rộng) ghi ở mặt lưng cật; khoảng chảy (mặt nghiêng mái) được ghi ở mép thước. Mào cột, lỗ mộng đều được mã hóa trong thước. Vì vậy, thước tầm chứa tất cả thông tin về một ngôi nhà sắp được xây dựng. Chỉ có phó cả mới làm được thước và những thợ lành nghề mới đọc được thước tầm.

Người dân Tây Nguyên làm nhà rông. Ảnh: Internet

Thước tầm được phó cả dựa theo ý chủ mà lập nên, trước lúc bắt tay vào làm nhà. Về sau, các tốp thợ cứ theo thước này mà cắt gỗ, đục mộng. Nhiều thợ làm nhiều chi tiết khác nhau, thế nhưng khi ráp lại, cứ đều tăm tắp. Ấy là cái chuẩn của thước tầm. Cũng vì thế, thước tầm vừa mang tính quy luật chung, vừa cụ thể hóa cho từng ngôi nhà, cá thể hóa cho tầm thước của từng gia chủ. Theo kiểu “nhà nào thước ấy”. Từ nhà tranh vách đất đến đình miếu, đền chùa, cung vua, phủ chúa đều phải làm theo thước tầm. Thước tầm vì vậy có thể coi là một bản vẽ độc đáo của người thợ mộc xưa. Mọi kích thước, cấu kiện, hình dáng của khung sườn nhà được mã hóa trong thước, được lưu trữ (gác trên nóc nhà), đi suốt thời gian tồn tại của công trình. Đến khi sửa chữa, trùng tu cứ đưa thước ra, các tốp thợ khác căn cứ vào đó mới có thể làm được.

Người Tây Nguyên có quy ước về kích cỡ làm nhà mang tính bản vị như thước tầm. Đó là gang tay và sải tay. Một cùi chỏ tay bằng 2 gang; một cánh tay bằng 3 gang; một sải tay bằng 4 gang của chính người đó. Khi làm nhà, chủ nhà sẽ lấy chuẩn từ sải tay, gang tay của mình để tính chiều cao chiều rộng của ngôi nhà định dựng, rồi cứ thế ra gỗ, đem về nhà chuẩn bị sẵn. Riêng các cây cột cái, cột con thì trên cơ sở chiều cao ấn định, cộng thêm phần chân cột chôn chìm xuống dưới đất, tầm 50 cm. Như thế, ngôi nhà đã được phác họa theo tầm kích của gia chủ. Mặc dù về hình thức, nhà sàn Tây Nguyên đa phần có nét chung giống nhau: nhà thượng thách hạ thu, mang khối hình thuyền, cửa chính trổ ở hai đầu hồi, liền với sân thượng bằng gỗ; nhà rông thì trổ cửa phía trước mặt; các nhà đều có chiếc cầu thang chặt vạt bậc thang vào thân một cây gỗ để leo lên nhà. Thời xưa, nhiều thú dữ, cầu thang thường được dựng vào ban ngày để lên xuống, đêm đến thì rút vào cất kỹ trong nhà. Nhà có việc kiêng không tiếp khách thì lật sấp cầu thang lại… Cầu thang, trong bản chất cũng theo một loại thước bản vị là độ dài bàn chân.

Khi làm nhà rông, kích thước bản vị lại căn cứ vào tầm thước của người chủ sự, thường là già làng. Sau việc chọn chặt trữ tre gỗ, người dự định làm nhà sẽ đánh tiếng với người làng, ấn định thời gian nhất định sẽ làm nhà. Mọi người trong làng sẽ phân công nhau vào rừng cắt dây buộc nhà, cắt tranh lợp nhà. Người Tây Nguyên xưa làm nhà không đóng đinh. Mọi điểm nối của các cây gỗ đều được buộc bằng dây mây chẻ thành sợi hoặc vỏ một số cây rừng có xơ lụa dai bền.

Khung nhà sàn được dựng riêng trên một lô đất. Mái nhà được chằng buộc và lợp tranh ngay trên mặt đất, sao cho kích cỡ vừa sít với khung nhà. Xong việc thì cả làng cùng nhau khiêng mái nhà đã hoàn chỉnh úp lên khung nhà cho sít là ở được. Riêng nhà rông thì toàn bộ khung nhà, mái nhà được làm hoàn chỉnh trong một kết cấu khung vững chắc, sau đó mới đan tranh để lợp như cách lợp nhà tranh của người Kinh.

Trong thiết kế và dựng nhà, người Tây Nguyên hầu như ai cũng tham gia công việc xây dựng, họ không có tốp thợ riêng, không có phó cả ra thước mực chuyên nghiệp như người Kinh. Từ những chiều kích đo mang tính bản vị của người chủ nhà chủ sự, người ta sẽ hình dung ra việc dựng lên ngôi nhà cao bao nhiêu, dài bao nhiêu, độ dốc mái bao nhiêu cho phù hợp.

Có thể bạn quan tâm