Điểm đến Gia Lai

Phường Tây Sơn đẩy mạnh truyền thông, không để tái nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phường Tây Sơn (TP. Pleiku) hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, không để xảy ra tái nghèo, phường tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giúp người dân nắm bắt thông tin, tiếp cận các chính sách, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi phường Tây Sơn được thành lập tháng 10-2022, gồm 40 thành viên, do bà Nguyễn Thị Lan-Hội viên Chi hội Nông dân tổ dân phố 4 làm Chủ nhiệm.

Bà Lan cho biết: Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần. Tại các buổi sinh hoạt, thành viên CLB trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mô hình kinh tế.

Cùng với đó, CLB tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh kinh doanh thương mại dịch vụ.

phuong-tay-son-day-manh-truyen-thong-khong-de-tai-ngheo-bg.jpg
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tây Sơn tặng quà cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn xã Ia Kênh. Ảnh: M.N

“Trước khi thành lập, Ban chủ nhiệm CLB xây dựng quy chế hoạt động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để triển khai các nội dung phù hợp. Hàng năm, CLB có kế hoạch đưa hội viên tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả để học tập kinh nghiệm; đồng thời, kết hợp lồng ghép tuyên truyền các chương trình, phong trào thi đua do Hội Nông dân cấp trên triển khai”-bà Lan chia sẻ.

Là thành viên CLB, bà Đào Thị Dịu (nhà số 12/112 đường Phan Đình Phùng) sở hữu 10 ha cà phê, 500 m2 ao cá, đàn gà hàng trăm con và vườn cây ăn quả. Mô hình mang lại cho gia đình bà doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-6 lao động.

“Thông qua hoạt động của CLB, các thành viên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các thành viên còn góp quỹ cho hội viên nông dân khó khăn vay vốn làm ăn”-bà Dịu kể.

Bà Trần Thị Lê Na-Chủ tịch Hội Nông dân phường Tây Sơn-cho hay: Ngoài CLB Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, phường còn duy trì hiệu quả CLB Nông dân với pháp luật, Nông hội trồng và chăm sóc cà phê. Hội Nông dân phường thường xuyên phối hợp với các đơn vị mở lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên.

Bên cạnh đó, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân phường chú trọng biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên trên nhiều lĩnh vực.

Các hội, đoàn thể của phường chủ động tuyên truyền giúp đoàn viên, hội viên, người dân nắm bắt thông tin, tiếp cận các chính sách và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hội Liên hiệp phụ nữ phường đang quản lý 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ hơn 8,8 tỷ đồng, giúp 130 hội viên vay với các chương trình: giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, huy động tiết kiệm.

Định kỳ hàng tháng, các tổ tiết kiệm và vay vốn họp, kiểm tra và hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích; nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý kịp thời.

Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ, bà Huỳnh Nữ Kim Ly (nhà số 25/28 đường Phạm Văn Đồng) được vay 40 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở cửa hàng tạp hóa.

Bà Ly bày tỏ: “Tôi năm nay đã 60 tuổi. Nhờ được vay vốn ưu đãi kịp thời, tôi mở quầy tạp hóa nhỏ, tạo thêm thu nhập để phụ giúp con cái”.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng vốn vay đúng mục đích nên các hộ vay thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn vay.

Hội Liên hiệp phụ nữ phường phối hợp với các đơn vị tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt giúp hội viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Chị Lê Thị Hằng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường-cho biết: Để các hội viên nắm bắt kịp thời về chương trình vay vốn, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt Hội hoặc trao đổi qua trang Zalo, Facebook.

Nguồn vốn giải ngân kịp thời, phát huy hiệu quả nên nhiều hội viên thoát nghèo bền vững. Các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, không có nợ quá hạn.

Quyết tâm giảm nghèo bền vững

Phường Tây Sơn hiện có 2.342 hộ với 9.365 khẩu. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cuối năm 2021, phường không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; đời sống người dân ngày càng cải thiện và nâng cao.

Dù đã thoát diện hộ cận nghèo vào cuối năm 2021 nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Hường (số nhà 19/12 đường Phan Đình Phùng) vẫn được chính quyền địa phương quan tâm, kết nối nguồn lực xã hội hóa được 20 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Các hội, đoàn thể huy động nguồn lực để trao quà tặng, thẻ bảo hiểm y tế cho một số thành viên trong gia đình bà.

“Gia đình luôn nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương nhưng chúng tôi nhận thức không nên trông chờ, ỷ lại mà phải phấn đấu vươn lên. Tôi cùng các thành viên trong gia đình chịu khó làm lụng để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt”-bà Hường tâm sự.

2mn.jpg
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tây Sơn kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế của bà Huỳnh Nữ Kim Ly (bìa trái). Ảnh: M.N

Làm thợ hồ nuôi 3 đứa con đi học, anh Nguyễn Văn Tuấn Hải (nhà số 12/2 đường Hai Bà Trưng) vơi bớt phần nào sự vất vả, khó khăn khi có sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm.

Anh Hải cùng 2 người con lớn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Con gái út đang học Trường Mầm non Hoa Phong Lan được hỗ trợ 900 ngàn đồng để đóng học phí hàng tháng. Các nhà hảo tâm còn tặng 3 thùng sữa/tháng cho các cháu; tặng gia đình sổ tiết kiệm 15 triệu đồng.

Anh Hải tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn, con cái được đến trường. Tôi rất cảm kích trước sự quan tâm giúp đỡ của các tập thể, cá nhân và hứa chăm chỉ lao động để có cuộc sống ổn định hơn”.

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Tây Sơn đã kết nối, hỗ trợ sửa chữa nhà ở; tặng 183 suất quà cùng 5 thẻ bảo hiểm y tế với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng cho các trường hợp khó khăn. Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, phường đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: trang thông tin điện tử phường Tây Sơn, trang Zalo OA, đội thông tin lưu động; hoạt động tọa đàm, giao lưu văn hóa-văn nghệ… giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo.

Cùng với đó, UBND phường và các hội, đoàn thể thường xuyên đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng; chú trọng nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND phường Trương Thị Ái Vi nhấn mạnh: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm của người dân, phường hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chủ trương của phường là đánh giá kết quả thực chất, không chạy theo thành tích.

Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, không để xảy ra tái nghèo, phường huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tiếp tục truyền thông, phổ biến các chính sách để người dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ trách nhiệm của mình về giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Đồng thời, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức vươn lên trong lao động sản xuất của mỗi người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm