Đô thị

Pleiku: Diện mạo mới, tầm vóc mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thành phố Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Quá trình xây dựng và phát triển

Pleiku xưa kia là nơi đồng bào dân tộc Jrai sinh sống. Để chuẩn bị cho việc xâm chiếm Tây Nguyên, năm 1838, Pháp cử các giám mục lên xâm nhập vùng đất này, vẽ bản đồ địa hình, thổ nhưỡng và dân cư. Đồng thời, Pháp cử các đoàn thám sát dân sự kết hợp với các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris để nghiên cứu chuẩn bị cho việc bình định, chiếm đóng, khai thác vùng đất này.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị. Để khẳng định quyền thống trị ở Tây Nguyên, thực dân Pháp đặt ở Kon Tum một “đại lý hành chính” do giám mục quản lý làm đại diện chính thức cho Chính phủ Pháp.

Ngày 3-12-1929, Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ đã thành lập đơn vị hành chính Pleiku. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của thị xã Pleiku về mặt pháp lý, trở thành thủ phủ của “đại lý hành chính” Pleiku.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm, tặng quà ông Lê Tuận-cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: VĂN NGỌC
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm, tặng quà ông Lê Tuận-cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc


Tuy thành lập thị xã Pleiku từ năm 1929 nhưng đến năm 1945, thực dân Pháp vẫn không tổ chức bộ máy chính quyền cấp thị xã. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng lập xã “Trà-Phú-Thương” gồm 3 làng: Trà Bá, Hội Phú, Hội Thương ở nội thị, trực thuộc sự chỉ đạo của tỉnh. Sau ký kết Hiệp định Genève (1954), ngụy quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm thị xã tỉnh lỵ tỉnh Pleiku nhưng cũng không lập bộ máy hành chính cấp thị xã, chỉ giữ liên xã Hội Phú-Hội Thương trực thuộc quận Lệ Trung.

Đến năm 1972, quy mô thị xã có thay đổi. Thị xã Pleiku ngoài xã Hội Phú-Hội Thương ở nội thị còn có xã Biển Hồ ở ngoại vi. Xã được chia thành ấp, dưới ấp có khu phố và các liên gia. Tuy vẫn còn trực thuộc quận Lệ Trung nhưng thị xã được xem như một đơn vị hành chính ngang cấp quận.

Trong suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Pleiku luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt với cách mạng, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công vẻ vang, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau ngày thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh cùng tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc đã tập trung xây dựng, phát triển Pleiku từ một thị xã hoang tàn đổ nát do chiến tranh trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội.

Sau ngày giải phóng, bước vào công cuộc tái thiết đất nước, nền kinh tế Pleiku có điểm xuất phát thấp, đại bộ phận nhân dân sản xuất tự cung tự cấp, giao thông chỉ có một số tuyến đường chính nhưng đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tháng 4-1975, thị xã Pleiku có 75.000 dân. Trong đó, 4 xã ven đô có trên 10.000 dân là vùng sản xuất nông nghiệp; các phường nội thị có 65.000 dân hầu hết là gia đình những người buôn bán, làm thuê, sống dựa vào tiền lương và lợi tức buôn bán, thu nhập thấp; cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rất nhỏ lẻ.

Mốc son đánh dấu cho sự trưởng thành của đô thị Pleiku là vào ngày 24-4-1999, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai. Lúc này, TP. Pleiku có 6 phường và 8 xã. Các hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Giai đoạn này, thành phố có 35 doanh nghiệp nhà nước và 37 hợp tác xã, 657 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 134 chi nhánh, văn phòng đại diện cùng với hơn 10.000 hộ kinh doanh hộ cá thể.

Hệ thống trung tâm thương mại và các chợ đã được hình thành, góp phần cho việc mua bán ngày càng đa dạng, phong phú. Kinh tế trang trại ngày càng phát triển, có 142 trang trại đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao với bình quân doanh thu ước đạt trên 600 triệu đồng/năm.

Những thành tựu đáng tự hào

10 năm sau đó, tháng 2-2009, Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh Gia Lai. Thành phố Pleiku có 14 phường và 9 xã. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khá bài bản. Mạng lưới giao thông từng bước hoàn thiện với nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua tương xứng với vị trí chiến lược là cửa ngõ của Tây Nguyên, ngã ba Đông Dương như: quốc lộ 19, 14, 25 và Cảng Hàng không Pleiku đã kết nối với các thành phố lớn trong cả nước.

 Pleiku định hướng xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Quang Tấn
Pleiku định hướng xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Quang Tấn


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thành phố, ngày 17-10-2019, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Xây dựng, các bộ và cơ quan Trung ương, của tỉnh; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP. Pleiku luôn phát huy tiềm năng và thế mạnh, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, là một trong những địa phương nổi bật trong lĩnh vực tăng thu ngân sách, thực hiện đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; huy động được các nguồn lực để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội còn bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong những năm qua, nền kinh tế thành phố phát triển khá nhanh, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 83,2 triệu đồng/năm. Thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng cao. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm... tiếp tục mở rộng về quy mô, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và cộng đồng chung tay thực hiện, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Đến nay, TP. Pleiku đã trở nên khang trang, hiện đại. Thành phố có nhiều thay đổi, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Tầm vóc của đô thị loại I

Việc Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai là kết quả của sự phấn đấu hết mình, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Pleiku tiếp tục tập trung điều chỉnh, thực hiện tốt quy hoạch phát triển thành phố thành trung tâm kết nối Tây Nguyên với các tỉnh, thành phố; trung tâm kết nối của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; hình thành các trục kết nối năng động Đông-Tây qua quốc lộ 19, Bắc-Nam qua quốc lộ 14 và Cảng Hàng không Pleiku được nâng cấp xứng tầm để kết nối Pleiku với các thành phố lớn.

 Pleiku định hướng xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Quang Tấn
Diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Quang Tấn


Thành phố Pleiku tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để khai thác những tiềm năng, lợi thế một cách tốt nhất. Trước mắt, Pleiku cần tập trung đầu tư chỉnh trang các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, trung tâm thương mại, trường học, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao, các công trình công cộng, quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải, trồng cây xanh, phát triển hệ thống điện chiếu sáng…

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, vì vậy, TP. Pleiku phải đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; phải đi đầu trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, cho tỉnh, cho các ngành của tỉnh; phải đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, phát triển giáo dục-đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa mới... Hướng đến xây dựng Pleiku trở thành đô thị xanh-sạch-đẹp, đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững.

Song song với đó, thành phố cần tập trung giải quyết tốt các tệ nạn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa phong trào toàn dân tham gia phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội đi vào chiều sâu; chú trọng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở, không để tạo thành “điểm nóng”.

Tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đồng thời, khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống.

 VÕ NGỌC THÀNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

Có thể bạn quan tâm