Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Pleiku hướng đến thành phố "Cao nguyên xanh vì sức khỏe"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, thành phố đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là cơ sở để Pleiku tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Xứng tầm đô thị loại I
Ông Nguyễn Hữu Quế. Ảnh: QUANG TẤN
Ông Nguyễn Hữu Quế. Ảnh: Quang Tấn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định một trong những mục tiêu chính là xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung rà soát, lập, điều chỉnh đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng như huy động các nguồn lực thực hiện.

Trong nhiệm kỳ, thành phố đã hoàn thành 65 đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có 1 đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; 31 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; 13 đồ án quy hoạch chi tiết phân lô cho các khu tái định cư và 9 đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới.

Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 31.720 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 đạt trên 8.030 tỷ đồng, tăng bình quân 12,72%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI. Cơ cấu đầu tư được phân bổ tương đối hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện, trường học, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020 và Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 20-12-2016 của HĐND thành phố về đầu tư chỉnh trang vỉa hè theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Qua đó, thành phố đã tạo sự đồng thuận và huy động có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân tham gia cùng Nhà nước đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Cụ thể, thành phố đã đầu tư thực hiện hơn 200 công trình hạ tầng kinh tế-xã hội với tổng vốn từ ngân sách trên 1.200 tỷ đồng; đồng thời, vận động 2.474 hộ dân tự nguyện tháo dỡ, hiến đất với diện tích hơn 34.000 m2; 1.606 hộ di dời hàng rào với diện tích 28.861 m2; 100 hộ di dời nhà, vật kiến trúc với diện tích 1.655 m2; tổng giá trị tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đến nay, thành phố đã nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường có tên đạt 100%, đường hẻm đạt 61,2%; đầu tư xây dựng mới 64,41 km mương thoát nước trên 49 tuyến đường chính; tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành được chiếu sáng đạt 100%, tỷ lệ ngõ hẻm nội thành được chiếu sáng đạt 61,39%. Đồng thời, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú, thực hiện cắm mốc bảo vệ 21 dòng chảy lớn trên địa bàn.
Hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: PHAN NGUYÊN
Hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ qua, công tác quản lý trật tự, chỉnh trang đô thị được quan tâm chỉ đạo và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Theo đó, thành phố đã triển khai 14 tuyến đường đậu xe một bên theo ngày chẵn, lẻ; triển khai việc sử dụng thí điểm hè phố phục vụ mục đích kinh doanh tại 12 tuyến đường; trồng mới 8.747 cây xanh đường phố, công sở, trường học.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, thiết lập trật tự kỷ cương, văn minh đô thị. Thành phố đã tổ chức 896 đợt kiểm tra trật tự đô thị, tiến hành xử lý hơn 10.400 trường hợp vi phạm; vận động 8.225 trường hợp nhân dân tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc vi phạm chỉ giới xây dựng.
Đồng thời, TP. Pleiku từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phúc lợi xã hội gắn với hạ tầng kỹ thuật tạo điểm nhấn cho đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội cao. Nhiều dự án quy hoạch đô thị đã được đầu tư xây dựng và các công trình hiện đại được triển khai theo quy hoạch.
Ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là niềm vinh dự và tự hào của mỗi người dân sống trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung, từ đó tiếp tục phấn đấu để xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm đô thị ở khu vực Bắc Tây Nguyên.
Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố xác định tập trung thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, xây dựng Pleiku phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, là vùng động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn tỉnh.
Theo đó, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc lập, quản lý quy hoạch đô thị, đảm bảo khai thác các tiềm năng lợi thế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Pleiku sẽ triển khai lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị với mục tiêu tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu toàn thành phố đạt 100%, quy hoạch chi tiết xây dựng đạt trên 60% để làm cơ sở cho công tác quản lý đô thị và kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển thành phố. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội. Thực hiện các giải pháp về chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán.
Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, môi trường; các quy định về quản lý quảng cáo, rao vặt. Cải tạo, từng bước hạ ngầm, sắp xếp lại đường dây cáp điện lực, thông tin liên lạc. Cải tạo, nâng cấp một số công viên, vườn hoa, trong đó tập trung ở khu vực nội thành; mở rộng mạng lưới, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn…
Một góc của đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông đối nội, giao thông tĩnh, đối ngoại theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Huy động các nguồn lực triển khai dự án nâng cấp xây dựng Cảng Hàng không Pleiku trở thành cảng hàng không quốc tế; xây dựng 2 bến xe tải tại 2 khu công nghiệp phía Nam và phía Đông Bắc thành phố để phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa với quy mô mỗi bến 3-5 ha.
Xây dựng các bãi đỗ xe tập trung tại các khu vực như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Trung tâm Thương mại Pleiku, sân vận động, các công trình công cộng lớn, các điểm du lịch… Tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường trung tâm, kết hợp hài hòa với việc bố trí cây xanh vỉa hè để tạo điểm nhấn về cảnh quan hệ sinh thái đô thị, góp phần xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng đảm bảo thực hiện đúng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố. Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với những khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và những khu vực, tuyến đường nằm ngoài đô thị nhưng có định hướng quản lý kiến trúc cảnh quan để làm cơ sở cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; xây dựng danh mục ưu tiên và từng bước triển khai thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng của các khu vực trọng điểm như: các khu chức năng đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh để tham gia triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Kêu gọi đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng-chống dịch bệnh. Xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; khai thác có hiệu quả các nguồn thu, bố trí ngân sách hợp lý để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I.
Đặc biệt, tập trung phối hợp triển khai đề án xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh, trước mắt là ứng dụng và triển khai Đề án Trung tâm điều hành đô thị thông minh cấp thành phố trong Đề án triển khai mô hình Trung tâm điều hành và hệ sinh thái đô thị thông minh tỉnh Gia Lai; phát triển hệ thống chiếu sáng thông minh; hệ thống phản ánh hiện trường, giám sát, quản lý giao thông thông minh… Tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng TP. Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.
NGUYỄN HỮU QUẾ
Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố

Có thể bạn quan tâm