(GLO)- Là trung tâm tổ chức các hoạt động tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, TP. Pleiku đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư, tu sửa, chỉnh trang đô thị, bồi dưỡng nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Khu trưng bày tượng gỗ dân gian
Các danh thắng và di tích lịch sử-văn hóa, điểm đến ấn tượng như núi Hàm Rồng, Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng tỉnh, Nhà lao Pleiku… là những nơi không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Phố núi. Cùng với đó, những giá trị văn hóa truyền thống của 2 tộc người bản địa Jrai và Bahnar như cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, nhà rông, các lễ hội truyền thống, nghề truyền thống như dệt, đan lát, tạc tượng… cũng là điểm cộng, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Với những thế mạnh đó, TP. Pleiku đang nỗ lực phát triển du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Vừa qua, UBND TP. Pleiku đã đầu tư xây dựng Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại làng Ốp, phường Hoa Lư. Đây là một trong các hạng mục công trình văn hóa nhằm phát triển Làng Văn hóa du lịch Plei Ốp và sẽ là một trong những địa chỉ phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu vào dịp Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018”.
Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại làng Ốp. Ảnh: Phương Linh |
Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại làng Ốp trưng bày 54 tượng gỗ dân gian; trong đó 35 tượng gỗ Jrai và 19 tượng gỗ Bahnar. Với 14 tượng thú, 4 tượng đồ vật, 36 tượng người, chủ yếu mô tả đời sống sinh hoạt (lao động sản xuất, vui chơi giải trí, sinh hoạt hàng ngày, lễ hội, tình cảm gia đình); các tượng gỗ được sắp đặt, trưng bày thành 7 khu vực nhỏ trên tổng diện tích 400 m2. Bà Hoàng Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), đại diện đơn vị thi công-chia sẻ: “Chúng tôi sắp đặt tượng theo từng nhóm địa phương, vùng cư trú của đồng bào để giúp khách tham quan hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian-một di sản văn hóa đặc sắc của 2 dân tộc bản địa tại Gia Lai. Các nghệ nhân của 5 nhóm tộc người Jrai A ráp (TP. Pleiku), Jrai Tbuăn (huyện Chư Prông), Jrai Hdrung (huyện Chư Pưh), Bahnar Jơ Lơng (huyện Chư Pah), Bahnar Bơnâm (huyện Kbang) bằng những dụng cụ thô sơ gồm rìu, rựa, dao, đục, bằng khối óc sáng tạo và đôi tay khéo léo đã làm nên những tượng gỗ sống động, vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh, mang tính xã hội, tính cộng đồng sâu sắc”.
Đầu tư nhiều hạng mục
Ngoài việc đầu tư xây dựng Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại làng Ốp, TP. Pleiku cũng đã có nhiều động thái tích cực trong việc chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch UBND thành phố-cho biết: “Xác định là địa bàn chính diễn ra các hoạt động của Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, thành phố đã lập kế hoạch đầu tư, tu sửa nhiều hạng mục. Có thể kể đến như Khu trưng bày tượng gỗ tại làng Ốp, nâng cấp một số hạng mục tại Nhà lao Pleiku, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại thắng cảnh Biển Hồ,…”. Dịp này, Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cũng cho lắp đặt thêm 4 bảng quảng cáo rao vặt tại các trục đường đông người qua lại, khắc phục tình trạng dán quảng cáo bừa bãi. Đoàn Thanh niên phường Hoa Lư đã huy động đoàn viên thanh niên thực hiện phần việc sơn vẽ hoa lên các cột điện dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Phòng Quản lý Đô thị thành phố đề xuất đặt thêm các chậu hoa, thi công hệ thống điện trang trí dọc các tuyến đường chính, góp phần làm đẹp thêm cho bộ mặt trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, TP. Pleiku cũng đã thành lập các đoàn nghệ nhân người Jrai, Bahnar với gần 100 thành viên để tham gia các hoạt động diễu hành, tạc tượng, đan lát, hát dân ca…; đồng thời lựa chọn các sản vật tiêu biểu của địa phương để tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm. Trước khi Festival chính thức diễn ra, 25 đội cồng chiêng các làng sẽ tổ chức trình diễn cồng chiêng nhằm tạo khí thế ngày hội lớn của tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm, thành phố cũng vừa phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ làm văn hóa, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, ẩm thực trên địa bàn. “Qua lớp tập huấn này, chúng tôi muốn xây dựng nếp văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự cho đội ngũ làm dịch vụ. Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền rộng rãi về cách ứng xử văn minh, thân thiện, hiếu khách để làm sao mỗi người dân thực sự là một hướng dẫn viên du lịch. Từ đó góp phần đem đến sự hài lòng cho du khách khi đến vui chơi, tham quan tại Pleiku, đặc biệt là trong dịp Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018”-bà Tâm bày tỏ.
Phương Linh