Kinh tế

Nông nghiệp

Pleiku: Kỳ vọng từ mô hình nông hội đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Trà Đa và An Phú (TP. Pleiku) vừa ra mắt 2 nông hội rau-hoa đầu tiên của tỉnh. Mô hình mới này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Xã An Phú và Trà Đa có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với các loại rau màu. Từ nhiều năm nay, đây là 2 vùng chuyên canh lớn, cung cấp rau, hoa cho TP. Pleiku và xuất đi các địa phương khác. “Tuy có thâm niên trồng rau nhưng chúng tôi không yên tâm bởi giá cả bấp bênh, thường xuyên lâm vào cảnh được mùa mất giá hay ngược lại. Việc tiêu thụ rau, hoa đều phụ thuộc vào thương lái. Họ đến lấy rau, hoa đi bán sau đó mới về trả tiền cho chúng tôi. Người trồng rau không hề chủ động trong đầu ra cho mặt hàng của mình”-ông Nguyễn Văn My-Chủ nhiệm Nông hội rau-hoa thôn 4 (xã An Phú) cho hay.
 Lãnh đạo TP. Pleiku tặng hoa cho Ban Chủ nhiệm Nông hội rau-hoa xã Trà Đa. Ảnh: P.V
Lãnh đạo TP. Pleiku tặng hoa cho Ban Chủ nhiệm Nông hội rau-hoa xã Trà Đa. Ảnh: P.V
Từ thực tế đó, TP. Pleiku đã học tập mô hình hội quán trong phát triển kinh tế hợp tác xã của tỉnh Đồng Tháp để về triển khai thực hiện mô hình nông hội rau-hoa tại xã Trà Đa và An Phú. Nông hội là tổ chức tự nguyện của những người có cùng mục đích và nguyện vọng hỗ trợ, chia sẻ thông tin sản xuất rau, hoa nhằm đem lại lợi ích vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng. Bước đầu, Nông hội rau-hoa thôn 4 (xã An Phú) tập hợp được 28 thành viên, Nông hội rau-hoa xã Trà Đa có 45 thành viên là nông dân trên địa bàn. Mỗi nông hội đều thành lập Ban Chủ nhiệm, ban hành quy chế hoạt động cụ thể, có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh rau, hoa, góp sức xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Hoạt động của nông hội nhằm cổ vũ, động viên và hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp; tìm các giải pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa cho các nhà vườn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Lương (thôn 4, xã Trà Đa) có khoảng 6 sào đất trồng rau và hoa. Những năm gần đây, thời tiết bất lợi, giá cả bấp bênh khiến hoạt động sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tham gia vào nông hội, anh Lương hy vọng: “Tôi mong rằng nông hội sẽ tìm được sự kết nối để nông dân trồng rau, hoa chủ động đầu ra, ổn định giá cả. Ngoài ra, tôi cũng mong được tiếp cận các mô hình trồng trọt mới, cách ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku đánh giá cao triển vọng của mô hình nông hội rau-hoa vừa được triển khai tại 2 địa phương. Theo ông Quế, nông hội được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện nhưng có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền. Để thu hút thành viên, hoạt động hiệu quả, Ban Chủ nhiệm các nông hội phải luôn bám sát thị trường, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các thành viên; mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ. Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền xã kêu gọi, kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn công tác gồm lãnh đạo thành phố, các cơ quan, ban ngành, đại diện xã An Phú và Trà Đa, Ban Chủ nhiệm 2 nông hội đi tham quan tại TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để học tập kinh nghiệm tổ chức nông hội, thành lập hợp tác xã cũng như việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm, từ đó triển khai tại địa phương một cách hiệu quả nhất”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm