(GLO)- Phải mất hơn 1 năm tôi mới tìm lại được người bạn diễn cùng Đoàn Ca múa Tây Nguyên thuở nào-ca sĩ Kim Nhất, rồi giúp chị làm các thủ tục cần thiết để có thể vào nương tạm ở một trung tâm dưỡng lão tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak). Nắm chặt tay nhau, bao nhiêu kỷ niệm một thời ùa về trong tâm trí 2 người bạn cố tri.
Lệnh lên đường gấp gáp. Rời Hà Nội, ngày đi đêm nghỉ, đến chiều 14-5-1975, Đoàn Ca múa Tây Nguyên (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) có mặt ở thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù đại đa số diễn viên trong đoàn quê ở Gia Lai, nhưng nhiệm vụ đầu tiên khi trở về Tây Nguyên sau 21 năm xa quê hương là biểu diễn phục vụ ngày hội mừng non sông thống nhất (diễn ra cùng lúc trên cả nước vào sáng 15-5-1975) tại nơi đã mở màn cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thị xã Buôn Ma Thuột, nơi diễn ra trận đánh lịch sử vào tháng 3-1975.
Hết một mùa trăng đi diễn khắp các buôn làng Đak Lak, đầu tháng 6-1975, đoàn chúng tôi có mặt ở Pleiku. Đó là một mùa hạ đầy nắng nhiều mưa với thị xã nhỏ bé, yên bình, đầy những cây thông xanh xinh đẹp kiêu hãnh đùa giỡn với gió cao nguyên. Niềm vui được trở về quê hương biểu diễn phục vụ đồng bào ánh lên trong từng nụ cười, làm nên tâm trạng phấn chấn của cả đoàn.
Đoàn Ca múa Tây Nguyên chụp ảnh lưu niệm vào tháng 5-1975. Ảnh: L.N.N.K |
Dường như sợ sân vận động không chứa nổi hàng vạn người, tỉnh sắp xếp cho đoàn có 2 đêm diễn hoành tráng, đông nghìn nghịt khán giả tại Sân vận động thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum. Những tiết mục múa, hát, tấu đàn t’rưng mang âm hưởng dân gian Tây Nguyên dường như mới chỉ được bộ đội và người dân các căn cứ kháng chiến thưởng thức, vì vậy được cư dân phố thị cao nguyên khi ấy hoan nghênh nhiệt liệt. Gần như tiết mục nào khán giả cũng vỗ tay kéo dài để yêu cầu… biểu diễn lại. Chương trình nghệ thuật vừa mới mẻ, hào hùng, lại vừa mang tính trữ tình, độc đáo từ những giọng ca trong veo, cao vút của H’Bênh, Kim Nhớ và tôi với các ca khúc “Tiếng t’rưng giữ rẫy”, “Cánh chim Pong Kle”, “Mặt trời Ê Đê “; Măng Thị Hội chan chứa nét lãng mạn cách mạng trong “Bóng cây kơ nia”, “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” đến tiếng hát trầm hùng của anh Siu Phích trong “Con voi”, “Nhớ buôn làng Tây Nguyên”… Tiếp đến là những bài dân ca ngắn mà hài hước của Y Yơn lẫn những điệu múa “Rong ching”, “Ché rượu diệt địch”, “Trống Tây Nguyên” với dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ nhưng đủ bộ: dây, kèn đồng, kèn gỗ, trống, nhất là tiếng t’rưng như suối chảy róc rách, như chim hót líu lo, như gió rừng xào xạc của nghệ sĩ Nay Pharr… Riêng chị Kim Nhất ngày ấy không hát đơn ca mà chủ yếu tham gia trong các tiết mục tốp ca của đoàn. Các màn trình diễn khiến khán giả Pleiku và Kon Tum vô cùng phấn khích, thậm chí là tự hào và ngưỡng mộ. Người ta ném cả tiền lẫn quà, bánh lên sân khấu-một hình thức tỏ bày tình cảm và sự khen ngợi mà đoàn chưa từng gặp ở miền Bắc.
2 ngày nghỉ lại tại Pleiku trước khi lưu diễn các huyện, chúng tôi được gặp gỡ và làm quen với không biết bao nhiêu người, đủ mọi tầng lớp: trí thức mặc veston, tiểu thương áo dài, dân nghèo đồ bộ bà ba, học sinh còn nguyên đồng phục, linh mục, chủng sinh áo chùng đen… Tất cả toát lên sự lịch thiệp và thân thiện, hoan hỉ. Các tiết mục biểu diễn của đoàn là đề tài vô tận để tìm hiểu và ngợi khen. Khi biết đại đã số chúng tôi đều đã tốt nghiệp các học viện chuyên về âm nhạc, múa, mỹ thuật… bà con rất ngạc nhiên.
Vui nhất là sau những đêm giao lưu mừng chiến thắng với các buôn làng. Các dàn chinh chiêng ngẫu hứng thăng hoa, vòng xoang tay chân đều tăm tắp, câu hát dân ca rộn ràng, mênh mang… đã đưa những đứa con phương xa đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Bà con khen chúng tôi diễn hay, đẹp trai xinh gái, còn chúng tôi lại yêu vẻ đẹp đến mê hoặc của điệu ching chiêng, dáng múa lẫn những đôi mắt hoang dại như rừng đêm. Cả những bầu ngực nâu tròn khiến người ta chỉ muốn ôm lấy mà nâng niu, những tấm ngực trần vạm vỡ, rắn chắc như các bức tượng gỗ thô mộc mà sắc sảo. Quê mình đó bạn ơi-chúng tôi đã thốt lên như thế.
Trước đó, từ tiền sinh hoạt phí, chúng tôi góp chung để mua 1 chiếc máy ghi âm “cục gạch” (thời điểm này chưa mấy người có máy ghi âm). Và trong những ngày ấy, chúng tôi đã ghi lại được nhiều bài chiêng trầm hùng, rộn ràng, náo nức của hội vui đến âm điệu thăm thẳm của lễ pơ thi (bỏ mả). Sau này về lại Hà Nội, không ngày nào khu tập thể của đoàn không vang lên tiếng nhạc chiêng.
Lại nhớ Tết năm nào nghệ sĩ Nay Pharr, người có ngón đàn t’rưng điệu nghệ không ai bằng đã gọi điện cho tôi từ huyện Ia Pa, giọng khào khào (do răng rụng gần hết) rằng: “Em có nhớ những mùa Tết tụi mình không được ở nhà, lang thang biểu diễn khắp Tây Bắc, Việt Bắc không?”.
Nói theo cách của người Tây Nguyên xưa thì đã 45 mùa rẫy đi qua trong nắng gió cao nguyên. Lũ chúng tôi thanh xuân ngày ấy, nay người mất, người còn. Người còn thì dường như cũng đều đã thành cái bóng mờ trong gia đình lẫn xã hội. Như chị Kim Nhất, do hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, vẫn còn con cái nhưng phải vào nương tạm trung tâm dưỡng lão. Nghĩ cảnh chị, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho người bạn diễn cùng đoàn thuở nào. Nhưng ký ức của những ngày đầu trở về quê hương ấy sao gợi lại vẫn còn tươi roi rói thế kia?
LINH NGA NIÊ KDAM