(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, TP. Pleiku, Gia Lai đã tập trung lãnh đạo thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông TRẦN XUÂN QUANG-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.
* P.V: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, thành phố đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Xuân Quang. |
Việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, Ban quản lý xã được triển khai sớm, đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nên đã tạo được sức mạnh tổng hợp cho việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn tăng theo từng năm. Đến nay, tổng nguồn vốn đã đầu tư cho các xã hơn 767,5 tỷ đồng. Nhờ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên diện mạo khu vực nông thôn khởi sắc. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông hóa và nhựa hóa đạt 100%; đường trục thôn, làng được bê tông hóa đạt 89,6%; tỷ lệ đường ngõ xóm cứng hóa đạt 70,5%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 76,9%. Người dân đã tích cực thực hiện nếp sống văn minh, phòng-chống tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa năm 2017 đạt 86,3%. Cuối năm 2017, có 9/9 xã đạt chuẩn xã NTM. Thành phố đã lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
* P.V: Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong xây dựng NTM của thành phố?
- Ông TRẦN XUÂN QUANG: Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh về đích NTM, thành phố thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa, nhiệm vụ của chương trình. Kế hoạch triển khai xây dựng NTM phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi; phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, vai trò của bí thư, trưởng thôn, tinh thần gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó là sự đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM. Nguồn lực sử dụng vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” được thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả. Chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng NTM... Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các xã. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện...
* P.V: Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung những giải pháp gì để nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, gắn với xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thưa ông?
- Ông TRẦN XUÂN QUANG: Thành phố tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí NTM mà các xã đã đạt được. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phát triển nông thôn theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại… Triển khai thực hiện Kế hoạch số 76-KH/TU của Thành ủy Pleiku về thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giai đoạn 2018-2020, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 đến 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; xây dựng thành công 1 đến 2 khu dân cư kiểu mẫu; mỗi năm xây dựng thành công ít nhất 1 làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2018, thành phố chọn xây dựng làng Wâu (xã Chư Á) và làng Brel (xã Biển Hồ) để xây dựng làng NTM.
Khu vực Trung tâm xã Trà Đa nông thôn mới. Ảnh: Thanh Nhật |
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành, giúp việc từ thành phố đến cấp xã. Thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn hướng dẫn kịp thời các xã triển khai thực hiện các tiêu chí do ngành phụ trách quản lý, có biện pháp chỉ đạo và giúp các xã khắc phục khó khăn, vướng mắc. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng để người dân hiểu và tham gia thực hiện với vai trò là chủ thể. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông-lâm-thủy sản; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân. Phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Triển khai hiệu quả các dự án, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với hình thành và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Mặt khác, thành phố sẽ tiếp tục kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở. Quy hoạch, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ xã, ưu tiên bố trí cán bộ trẻ đã qua đào tạo về công tác tại xã có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đạt chuẩn hàng năm và luân phiên đào tạo cán bộ chuyên trách, công chức chuyên môn cấp xã đạt chuẩn theo quy định.
* P.V: Xin cảm ơn ông.
Thanh Nhật (thực hiện)