(GLO)- “Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP. Pleiku đã được cấp ủy, chính quyền và người dân hưởng ứng thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa và đạt được những kết quả đáng phấn khởi”-ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku, đánh giá.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku là đơn vị có nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội-cho biết: Riêng về hoạt động giữ gìn, bảo vệ môi trường, có 186 đoạn đường “phụ nữ tự quản” đã được xây dựng và nhân rộng tại 24 chi hội phụ nữ ở các xã, phường. Chị em cũng đã chung tay phát quang bụi rậm, trồng hoa hai bên vỉa hè. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, các cơ sở Hội tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh. Tính từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp giải tỏa, di dời 15,5 km đường; vận động 17.265 lượt phụ nữ tham gia khơi thông 43.375 m mương thoát nước, vệ sinh 1.705 giếng nước, 8 điểm giọt nước; đóng góp 2.450 ngày công và 725 triệu đồng để sửa chữa 9.576 m đường giao thông nông thôn; xây dựng hội trường, lắp camera, 102 bóng điện cao áp và thực hiện phần việc “đường ngõ, xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa” tại 6 con đường với chiều dài 1.550 m.
Một góc làng Wâu (xã Chư Á). Ảnh: Đ.Y |
Liên đoàn Lao động TP. Pleiku cũng phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thể hiện qua 5 nội dung chính: trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, an toàn giao thông đô thị, an ninh trật tự, an toàn xã hội và hành vi ứng xử nơi công cộng. Ông Đỗ Xuân Quý-Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Pleiku-thông tin: Thành phố có 236 Công đoàn cơ sở trực thuộc. Hàng năm, các Công đoàn cơ sở cùng các ban, ngành, đoàn thể thực hiện dỡ bỏ các biển báo quảng cáo vi phạm, tham gia phong trào “Ngày thứ sáu xanh-sạch-đẹp”. Theo đó, chiều thứ sáu hàng tuần, sau khi hết giờ làm, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức tham gia dọn dẹp vệ sinh, nhặt rác trong khuôn viên đơn vị, tuyến đường trước cơ quan, làm cho hè thông, đường thoáng. Bên cạnh đó, các Công đoàn trực thuộc còn đẩy mạnh tuyên truyền trong công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, “xây dựng cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “nếp sống văn minh cá nhân”. Nhờ đó, cán bộ, công chức, lao động và người dân đã nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
Không chỉ ở thành thị mà ở khu vực nông thôn, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa cũng lan tỏa mạnh mẽ. Làng Wâu (xã Chư Á) là một trong những điển hình xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hưn-Trưởng thôn-cho hay, các đoàn thể của xã đã phối hợp với Ban Nhân dân thôn vận động đoàn viên, hội viên, người dân tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp bằng việc trồng hoa hai bên lề đường với 270 hộ dân tham gia. Chị Nhui-một người làng Wâu-chia sẻ: “Từ khi phát động trồng hoa, giữ vệ sinh môi trường, mình thấy làng xóm, nhà cửa, đường sá khang trang, sạch đẹp hơn. Là hội viên phụ nữ, mình cũng góp phần thực hiện và tuyên truyền, vận động chị em tham gia phong trào, qua đó giúp bộ mặt nông thôn đổi mới hơn nữa”.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cũng không tránh khỏi những tồn tại, khó khăn. Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku, sự phối hợp triển khai thực hiện phong trào giữa các ngành với các xã, phường có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền chưa cao nên một bộ phận cán bộ và người dân còn chưa tự giác gìn giữ vệ sinh môi trường, còn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, treo dán, vẽ quảng cáo trái phép. Một số phụ huynh buông lỏng quản lý, giáo dục con em dẫn đến tình trạng phạm pháp, tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng.
“Thời gian tới, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư nhằm giáo dục toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Tuyên truyền thường xuyên, bằng nhiều hình thức giúp người dân nắm vững nội dung của cuộc vận động để tự giác đăng ký thực hiện, coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mình trong cộng đồng dân cư. Phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đưa công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị vào quy ước, hương ước, coi đây là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm. Ngoài ra, đưa các nội dung của quy ước xây dựng nếp sống văn minh đô thị trở thành tiêu chí bình chọn danh hiệu văn hóa hàng năm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đồng thời khen thưởng kịp thời những đơn vị, địa phương, cá nhân thực hiện tốt phong trào này”-ông Nguyễn Xuân Hà cho biết.
ĐINH YẾN