Kinh tế

Nông nghiệp

Pleiku: Nông dân đột phá trong sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có trên 21.400 hộ có thu nhập bình quân hàng năm từ 100 đến dưới 500 triệu đồng, 217 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 50 hộ nông dân có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng. Đó là những con số ấn tượng cho thấy sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của những người nông dân thành phố.
Sau giờ ăn sáng, vợ chồng anh Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư) lại cùng nhau ra chuồng gà để thu gom trứng, giao cho mối buôn. Mỗi ngày, đàn gà 500 con của gia đình anh đẻ 460-470 quả trứng, đem lại mức thu nhập gần 1,3 triệu đồng. 
Theo anh Kỳ, gia đình đã gắn bó với nghề chăn nuôi gia cầm 20 năm, kể từ khi vợ chồng rời quê nhà Hưng Yên vào Pleiku lập nghiệp. Ban đầu, anh chỉ nuôi 200 con gà và 3.000 con chim cút. Sau vài năm, anh mở rộng quy mô chuồng trại lên tới 3.000 con gà, 8.000 con chim cút để bán trứng; đồng thời, đầu tư nuôi khoảng 40 con heo và buôn bán thức ăn gia súc, gia cầm. “Chăn nuôi và kinh doanh đem lại cho tôi mức thu nhập ổn định tầm 400-500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-anh Kỳ cho hay.
Vợ chồng anh Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư) thu gom trứng gà để bán cho mối buôn. Ảnh: Nhã Uyên
Vợ chồng anh Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư) thu gom trứng gà để bán cho mối buôn. Ảnh: Nhã Uyên
Tương tự, ông Lê Hùng Anh (tổ 7, phường Yên Thế) cũng là gương mặt tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP. Pleiku. Năm 1995, sau khi nghỉ công tác ở Binh đoàn 15, ông khởi nghiệp với 2 ha cà phê. Vừa làm vừa tích góp để mua đất mở rộng diện tích, 4 năm sau, ông đã có 16 ha cà phê. Thế nhưng, khi việc đầu tư của gia đình đạt đỉnh điểm cũng là lúc giá cà phê tụt dốc khiến lão nông này lao đao. Cuối cùng, do không đủ tiền chăm sóc, ông đành thu hẹp diện tích trồng xuống còn 4 ha; đồng thời, rẽ hướng sang chăn nuôi gà thả vườn và heo rừng lai để cung cấp cho một số doanh nghiệp, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
Năm 2017, tình cờ biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen qua mạng internet và hiệu quả mà loài côn trùng này mang lại, ông Lê Hùng Anh quyết tâm nghiên cứu kỹ thuật nuôi và bỏ ra 6 triệu đồng mua 2 lạng trứng ruồi để thử nghiệm. “Sau vài lần vừa làm vừa học hỏi, tôi đã có được sản phẩm đầu tay, bán ra thị trường với giá 20 triệu đồng/kg trứng và bỏ mối sang Lào, Campuchia. Ngoài ra, tôi còn chủ động cho ấp nở và nuôi ấu trùng ruồi lính đen để sử dụng ủ thức ăn hữu cơ cho gà, heo rừng và làm phân vi sinh bón cho cà phê. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao từ ấu trùng, cây trồng và vật nuôi sinh trưởng, phát triển khá tốt, giúp tôi tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Tổng thu nhập hiện tại của gia đình tôi khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí ”-ông phấn khởi nói.
Lão nông Lê Hùng Anh (tổ 7, phường Yên Thế) ủ thức ăn hữu cơ cho vật nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Mộc Trà
Lão nông Lê Hùng Anh (tổ 7, phường Yên Thế) ủ thức ăn hữu cơ cho vật nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Mộc Trà
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền TP. Pleiku chú trọng đẩy mạnh. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, các cấp Hội Nông dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ hội viên, nông dân trong đào tạo nghề; vốn vay, phân bón, vật tư nông nghiệp và giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản. Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thị Bích Vân, trong 5 năm (2017-2022), phong trào tiếp tục có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và thu hút đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng, tham gia. Thông qua phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại cây-con mới được nông dân đưa vào thử nghiệm và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Phong trào đã giúp nhiều hộ nông dân tăng mức thu nhập, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Hàng năm, có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài ra, phong trào còn giúp hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội ở địa phương”-bà Vân thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cũng cho rằng, phong trào vẫn còn những hạn chế nhất định như phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương và cấp tỉnh còn thấp; một bộ phận hội viên, nông dân chưa mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; các hoạt động hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng nhu cầu… Do vậy, thời gian đến, các cấp Hội Nông dân của thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào theo hướng tổ chức lại sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất lớn, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất và kinh doanh theo chuỗi. Qua đó, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt năng suất cao, tiêu chuẩn an toàn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
NHÃ UYÊN

 

Có thể bạn quan tâm