Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Pleiku Roh bảo tồn văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm giữa lòng TP. Pleiku, làng Pleiku Roh phần nào đã bị “cơn lốc” đô thị hóa cuốn đi những nét đặc trưng về mặt kiến trúc của người Jrai. Thế nhưng, bản sắc văn hóa truyền thống của một ngôi làng Jrai xưa vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và tiếp nối qua từng thế hệ.

2ba-con-thon-pleiku-roh-van-giu-thoi-quen-den-giot-nuoc-de-gap-go-lay-nuoc-ve-sinh-hoat-moi-ngay-2398.jpg
Bà con thôn Pleiku Roh vẫn giữ thói quen đến giọt nước để gặp gỡ, lấy nước về sinh hoạt mỗi ngày. Ảnh: S.C

Cách sân bóng làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) vài trăm mét, giọt nước của làng vẫn được gìn giữ qua bao đời nay. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, bà con trong làng vẫn duy trì thói quen mang gùi, xách bầu đi lấy nước từ giọt mang về nhà sử dụng. Tầm 3-5 tháng, các hộ dân sống quanh khu vực tự nguyện tổ chức lễ cúng để cầu mong mưa thuận gió hòa, mạch nước luôn tuôn trào như hàng trăm năm qua.

Nói về giọt nước duy nhất của làng, ông Đỗ Văn Lợi-Bí thư Chi bộ làng Pleiku Roh-cho hay: “Mấy năm trước, thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống bể lọc, hệ thống dẫn nước mạch tự nhiên để bà con thuận tiện sử dụng hàng ngày. Kể từ khi giọt nước được xây dựng lại, bà con rất ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung cho nguồn nước của làng”.

Nhiều năm qua, Pleiku Roh vẫn lưu giữ các phong tục văn hóa truyền thống đặc trưng của làng Jrai ngay trong đời sống hiện đại như lễ mừng lúa mới. Bà con trong làng vẫn duy trì hoạt động sản xuất lúa tại cánh đồng Ia Sí 1, Ia Sí 2, Ia Nông với tổng diện tích 14,19 ha. Năng suất lúa vụ mùa đạt 4,5 tấn/ha, lúa vụ Đông Xuân đạt 6,8 tấn/ha.

Hồi tưởng lại chuyện xưa và nay, già làng Puih Wich-Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-kể: “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trên những cánh đồng này, bà con chỉ làm 1 vụ lúa. Sau khi thu hoạch, bà con trong làng tập trung tại nhà rông để cùng làm lễ mừng lúa mới. Bây giờ, hễ nhà nào gặt lúa xong là tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại nhà riêng để mời bà con, anh em đến ăn mừng”.

Làng Pleiku Roh có 368 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%, chủ yếu là người Jrai. Là ngôi làng giữa lòng thành phố, Pleiku Roh luôn được chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Điều kiện thu nhập và đời sống của bà con trong làng ngày càng phát triển ổn định. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp không chỉ được gìn giữ mà còn được người dân trong làng tìm cách lan tỏa, phát huy như lễ hội văn hóa cồng chiêng.

Ông Siu Thưm-Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh-cho biết: “Văn hóa cồng chiêng luôn có mặt trong các sự kiện quan trọng, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tại làng. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Đội cồng chiêng của làng tổ chức biểu diễn kết hợp với các hoạt động trình diễn xoang, đốt lửa trại, giao lưu ẩm thực tại khu vực sân bóng trong dịp Tết Nguyên đán. Hoạt động này được bà con trong làng và người dân thành phố hưởng ứng tích cực”.

pleiku-roh-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-bg-90.jpg
Các thế hệ người Jrai sinh sống tại làng Pleiku Roh luôn trân trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: S.C

Hiện nay, làng Pleiku Roh có 2 đội cồng chiêng. Đội cồng chiêng thanh niên thành lập từ năm 2009 với các thành viên độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Đội cồng chiêng “nhí” thành lập năm 2012 với các thành viên độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi. Không chỉ mạnh về phong trào, các đội cồng chiêng này được ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, được thành phố lựa chọn tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình, sự kiện quan trọng.

Gắn bó với cồng chiêng từ năm 10 tuổi, anh R’com Bus (SN 2002) hiện là thành viên nòng cốt của Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh tham gia trình diễn tại các sự kiện, chương trình, lễ hội trong và ngoài nước.

Ngoài ra, anh còn đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, truyền tải, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên nền tảng mạng xã hội.

“Tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào khi được tham gia trình diễn các nhạc cụ truyền thống, góp phần quảng bá, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc mình tại các sự kiện, chương trình trong nước, quốc tế. Chính điều này thôi thúc tôi phải có ý thức, trách nhiệm tiếp nối các thế hệ cha anh bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp”-anh Bus chia sẻ.

Thành phố Pleiku đang tiến nhanh trên con đường đô thị hóa, người dân làng Pleiku Roh cũng đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, họ vẫn luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ mai sau. Liên tục từ năm 2017 đến nay, làng Pleiku Roh đạt danh hiệu làng văn hóa cấp thành phố.

Ngắm nhìn dòng nước mát lành đang tuôn chảy ngày đêm từ giọt nước của làng, già làng Puih Wich trải lòng: “Bà con mong muốn thành phố đầu tư xây dựng 1 ngôi nhà rông truyền thống ngay tại vị trí sân bóng. Bởi lẽ, nhà rông là trái tim của làng, cũng là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa và gắn kết tình cảm cộng đồng”.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ IV-2024 sắp diễn ra, cán bộ và Nhân dân làng Pleiku Roh là 1 trong 17 tập thể được Ban Dân tộc, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc giai đoạn 2019-2024, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm