Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Pleiku chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn TP. Pleiku luôn được chú trọng và mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Tích cực tôn tạo, trùng tu di tích

Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có 7 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; trong đó có 2 di tích quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Thành phố đã tiến hành đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích đã thu hút được sự đóng góp cả về vật chất và tinh thần của người dân.

Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho người dân. Ảnh: N.S

Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho người dân. Ảnh: N.S

Từ năm 2017 đến 2021, thành phố cùng các tổ chức, cá nhân đã đầu tư hơn 54,167 tỷ đồng để cải tạo, tu bổ một số hạng mục tại các di tích như: thắng cảnh Biển Hồ, Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú, Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư)...

Từ năm 2022 đến nay, thành phố tích cực triển khai thủ tục đầu tư các dự án như: cải tạo Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Gào với kinh phí 5,9 tỷ đồng; xây dựng Di tích lịch sử Khu căn cứ địa cách mạng Khu 9 (15 tỷ đồng); cải tạo, sửa chữa cổng chào Biển Hồ (25 tỷ đồng); xây dựng nhà nghỉ chân ngắm cảnh cho du khách và nhà vệ sinh tại khu vực thắng cảnh Biển Hồ (14 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, hoạt động duy trì và phát huy giá trị di tích luôn được quan tâm. Hàng năm, UBND thành phố cấp kinh phí 180 triệu đồng để duy trì hoạt động tại Di tích lịch sử văn hóa Nhà lao Pleiku và Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú.

Mỗi năm, Di tích thắng cảnh Biển Hồ thu được hơn 1 tỷ đồng từ việc bán vé tham quan. Số tiền này được thành phố sử dụng cho việc xây nhà tình nghĩa; trồng hoa, cây xanh và trùng tu, tôn tạo các hạng mục tại khu di tích.

Việc tích cực tu bổ, tôn tạo các di tích, danh thắng góp phần làm cho diện mạo của thành phố có nhiều thay đổi, thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Theo thống kê, năm 2023, Pleiku đón trên 825.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 8.836 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 625,18 tỷ đồng.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Hiện trên địa bàn thành phố có 16 nhà rông, 157 bộ cồng chiêng (2.488 chiếc) với trên 600 nghệ nhân cồng chiêng, xoang; trên 100 nghệ nhân làm cây nêu; 80 nghệ nhân đan lát, tạc tượng. Đặc biệt, nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa) đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Các nghệ nhân đan lát. Ảnh: Trần Hằng

Các nghệ nhân đan lát. Ảnh: Trần Hằng

Những năm qua, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng cùng du khách tại cộng đồng khu dân cư, trong các lễ hội, hội nghị và các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và thành phố.

Cùng với đó, thành lập các đội cồng chiêng, câu lạc bộ và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm tại các phường: Hoa Lư, Thắng Lợi, Trà Bá và xã Biển Hồ.

Định kỳ hàng năm, thành phố tổ chức Tuần văn hóa-du lịch, trong đó có các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng đường phố.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được duy trì và phát triển. Một số hộ dân ở làng Phung (xã Biển Hồ) thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy về cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ; nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giao lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Có thể bạn quan tâm